Nền tảng và cội nguồn của hạnh phúc an lạc
10/09/2023 - 07:11
Lượt xem: 64 lượt
Hạnh phúc là mục đích tối thượng của con người
Trong đời sống, hạnh phúc và an lạc là điều ai cũng mơ ước, mong mỏi. Nó là mục đích tối thượng, đồng thời là giá trị cao nhất của cuộc sống con người trên Trái đất này. Mọi hoạt động dù là vật chất hay tinh thần của con người chung quy đều hướng đến mục đích tối hậu là hạnh phúc và an lạc. Spinoza, một nhà toán học đồng thời là triết gia phương Tây thế kỷ XVII, đã có một nhận xét chí lý: “Hạnh phúc là mục đích của mọi hành động. Hạnh phúc là sự có mặt của các cảm giác thoải mái, và sự vắng mặt của khổ đau”. Hạnh phúc và khổ đau là hai mặt đối lập nhau của cuộc sống. Do vậy, để cuộc sống được an lạc, hạnh phúc, thì rõ ràng không có con đường nào khác là phải hành động: diệt trừ khổ đau. Đó là một chân lý vô song mà Đức Phật cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm đã dạy cho các môn đồ của mình, mà về cuối đời Ngài chỉ nói một cách ngắn gọn: “Trong suốt 45 năm thuyết pháp, xưa cũng như nay, Ta chỉ dạy có hai điều: Sự khổ và sự diệt khổ”. Hoà thượng Thích Minh Châu từng nhận định: “Giá trị bất hủ của đạo Phật chính là ở chỗ nó đã vạch ra con đường cụ thể giúp cho mỗi người chúng ta trở thành con người hoàn thiện, con người sống hạnh phúc và tự do, con người mẫu mực về trí tuệ và tình thương rộng lớn”. Quả thực, hạnh phúc và an lạc, không chỉ là ước mơ, mà là một hiện thực có thể đạt được trong chính cuộc sống hiện tại của mỗi người. Vấn đề là làm thế nào để có được hạnh phúc, an lạc cho cuộc sống vốn nhiều khổ đau này?
Đạo đức là nền tảng của hạnh phúc
Đạo đức là một vấn đề lớn của văn hóa xã hội loài người. Trên thế giới, không có dân tộc nào là không có những câu châm ngôn, tục ngữ, lời hay ý đẹp để khuyên nhủ, giáo dục đạo đức cho con người hướng thiện, làm điều tốt đẹp cho mình, cho người, để cùng nhau xây dựng một xã hội nhân ái, yêu thương, cùng nhau phát triển cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hòa bình an lạc. Đạo đức chính là nền tảng của hạnh phúc, an lạc của con người. Không có đạo đức, trật tự xã hội sẽ bị đảo lộn, con người sẽ sống trong sự lo âu, sợ hãi, bất an (về nhiều phương diện như: sinh mạng, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường…). Sinh thời, nhà bác học vĩ đại Albert Einstein đã từng lên tiếng: “Điều quan trọng nhất trong nỗ lực của con người là đạt đến đạo đức trong hành động. Sự thăng bằng nội tâm và thậm chí chính sự sinh tồn của chúng ta tùy thuộc vào nó”. Trong xã hội, đây đó đang bộc lộ hay còn tiềm ẩn khá nhiều bất trắc, đe doạ, hiểm nguy cho cuộc sống, mà chúng ta đang phải gánh chịu hoặc khó bề tránh khỏi nếu chưa sớm biết thức tỉnh. Những bất trắc đe doạ hiểm nguy ấy, rõ ràng không thể chối cãi được, là chúng bắt nguồn từ sự suy thoái, xuống cấp trầm trọng đến độ báo động của trật tự đạo đức xã hội hiện nay. Kể ra thật không xiết các tệ nạn nhức nhối đang gieo rắc, tung hoành đây đó trong các ngõ ngách của xã hội: tham nhũng, ma túy, cờ bạc, trộm cướp, ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, thực phẩm nhiễm độc, bạo lực học đường, chạy chức chạy quyền… Đó là những căn bệnh tồn tại từ lâu trong xã hội, nếu không sớm diệt trừ sẽ chuyển thành trầm kha bạo bệnh hết thuốc cứu chữa. Đừng quá tự tin vào sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật công nghệ sẽ giúp con người hoàn toàn thoát khỏi khổ đau, bệnh tật. Sự tiến bộ và thành quả vượt bậc của tri thức khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại là niềm vui, sự tự hào của nhân loại, vì nó đem đến biết bao tiện nghi, lợi ích thiết thực cho cuộc sống và đồng thời giảm nhẹ đi không ít mồ hôi công sức tiền bạc của con người. Nhưng tiếc thay, đa phần trong chúng ta đã quên mất đi rằng chỉ những tri thức tiến bộ và thành quả vượt bậc ấy thôi thì chưa đủ và chưa thể đưa cuộc sống con người đến bến bờ hạnh phúc thật sự. Từng ngày, nó đã bị lạm dụng làm phương tiện để mưu cầu “hạnh phúc” ích kỷ cho riêng mình hay phe nhóm, vô tình làm suy thoái, băng hoại cả nền tảng đạo đức xã hội, tiếp tay cho cái xấu lên ngôi, vùi lấp cái thiện lành xuống vực thẳm. Công bằng mà nói, tri thức khoa học và công nghệ không có tội. Mà chính con người vô tình tự biến mình phụ thuộc nó. Cho nên, đạo đức là vấn đề bức thiết hiện nay cần được xem trọng, đặt thành mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội, trong đó đặc biệt giáo dục phải được xem là quốc sách, lương tâm con người nhất thiết cần phải được đánh thức, bởi vì “Lương tâm là ánh sáng của trí thông minh để phân biệt điều hay điều dở” (Khổng Tử).
Cách chữa trị tận gốc rễ những căn bệnh hiện đại ngày nay của xã hội, dù nhất thời hay trầm kha, suy cho cùng, không có cách nào khác hữu hiệu cho bằng con đường giáo dục đạo đức. Luật pháp, những biện pháp răn đe trừng phạt, dù nghiêm khắc đến đâu, cũng chỉ là phương cách chữa trị tạm thời, trước mắt mà thôi.
Đạo đức là đạo lý làm người có đức hạnh, lương tâm trong cuộc sống gia đình và xã hội, mở rộng ra, dưới góc độ triết lý, với cả muôn loài, muôn vật. Do vậy, nền tảng vững chắc cho sự tìm kiếm, duy trì và bảo vệ hạnh phúc chân chính của con người không gì khác mà chính là đạo đức.
Quan niệm của phật giáo và con đường đi đến hạnh phúc
Theo quan niệm Phật giáo, tất cả các sai lầm, tội lỗi của con người đều do sự che lấp của vô minh. Vô minh ở đây là hệ quả ràng buộc của tham, sân, si. Vì tham, sân, si mà con người đã đánh mất lương tâm, lương tri, làm suy thoái văn hoá đạo đức truyền thống của cha ông. Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Socrate cũng có cùng nhận định: “Tất cả tội lỗi đều do vô minh mà ra”. Và ông khẳng định thêm: “Người trí huệ cũng bị cám dỗ bởi tham, sân, si như người vô minh, nhưng họ biết chế ngự cám dỗ và không rơi vào vòng tội lỗi”. Vậy, vấn đề hệ trọng đặt ra ở đây là làm thế nào để thoát khỏi sự kiềm tỏa của vô minh? Để làm được điều đó, cùng quan điểm với truyền thống văn hoá Việt Nam, giáo lý nhà Phật cũng cho rằng con người phải có ý thức và nỗ lực rèn luyện đạo đức bản thân. Do sự cám dỗ của dục vọng, bị lôi cuốn theo những ham muốn bất tận của lạc thú giàu sang và quyền chức, con người hiện đại luôn đối diện với chiều hướng đánh mất chính mình, bị tha hóa trầm trọng, không còn nhận ra phải trái, không biết đâu là đủ để dừng lại cho đúng lúc và điều hoà cuộc sống. Nhiều thảm cảnh bi kịch, thật đáng tiếc, đang xảy ra trong xã hội là do sự mờ ám của lòng tham vị kỷ, sân hận…
Hơn 2.500 năm qua, Đạo Phật đã đi vào cuộc sống, gắn bó gần gũi với con người mọi thời đại trên thế giới, đặc biệt ở phương Đông, trong đó có Việt Nam. Đạo Phật không tán thành lối sống nghèo đói và khổ hạnh, đồng thời cũng không đề cao cuộc sống chạy theo tham dục. Để giải thoát con người ra khỏi sự mê muội trầm luân, Đạo Phật kêu gọi con người hãy trở về với chính mình: “Trở về với con người thật, với bản tính chân thật của chính mình, trở về với đời sống hài hòa với xã hội, hài hòa với thiên nhiên, giữa thân với tâm, giữa từ bi với trí tuệ, giữa cảm xúc với lý trí”.
Con người được mệnh danh là con vật có lý trí. Có lý trí là có nhận thức phân biệt đúng sai, thiện ác. Vì vô minh che lấp, con người tự đánh mất chính mình. Cho nên, muốn quay về với con người thật của chính mình, Đức Phật đã dạy phải tìm cách vứt bỏ bức màn vô minh, chiến thắng tham sân si, các dục vọng sai lầm bất chính, nghĩa là phải chiến thắng chính bản thân, bởi các thứ ấy luôn bày binh bố trận sẵn ở trong ta. Chiến thắng được bản thân, thực ra không phải dễ, vì con người luôn có cố tật “vị kỷ, ngã chấp”. Cổ nhân nói: “Trăm trận trăm thắng không bằng chiến thắng được bản thân”, cho nên chiến thắng chính bản thân không còn gì vẻ vang bằng. Đúng như lời Phật dạy: Dầu tại bãi chiến trường Thắng ngàn ngàn quân địch Tự thắng mình tốt hơn, Ấy chiến thắng tối thượng. (Kinh Pháp cú) Chiến thắng bản thân, con người mới thực sự trở về với chính mình và sẽ sớm nhận ra cuộc sống hạnh phúc an lạc. Đó là cuộc sống hài hòa giữa Thân và Tâm, hài hòa với mọi người trong xã hội, với thiên nhiên vạn vật chung quanh. Người nào có được cuộc sống hài hòa như thế, nhà Phật cho rằng người ấy đã chứng đạt được “trí tuệ giải thoát” hay nói đơn giản là có được cái tâm “vô ngã”, “vô chấp”. Cái tâm vô ngã vô chấp là cái tâm vi diệu hòa cùng vạn vật, thiên nhiên làm một, không còn phân biệt Ta – Người. Hòa điệu chính là cội nguồn đồng thời cũng là con đường dẫn đến hạnh phúc, vì sự hòa điệu đem đến sự cân bằng, yên tĩnh cho cuộc sống tinh thần. Đạt được sự hòa điệu tuyệt diệu ấy (lý sự vô ngại), con người sẽ thoát khỏi mọi khổ đau, phiền não bởi tất cả những sự xấu xa ở đời đều do sự thiếu hòa điệu giữa con người với vũ trụ, giữa con người với con người, và giữa các yếu tố trong tâm hồn mỗi người. Với cái tâm vô ngã vô chấp, tấm lòng rộng mở, vị tha hay bằng đơn giản bằng sự hòa điệu, con người sẽ có được cuộc sống chan hòa tự do an bình. Ai đã từng bước chân đến chùa, ắt không thể không chú ý đến mấy đại tự trước cổng: Từ bi hỷ xả. Đó là bốn chữ vô cùng quen thuộc nhưng lại mang những ý nghĩa thâm sâu của đạo lý làm người, của sự hoà điệu mang đến hiệu quả hạnh phúc an lạc trong quan hệ ứng xử thân thiện với mọi người, ngay cả với thiên nhiên vạn vật: “Ai cũng muốn xa tránh điều khổ, ai cũng muốn có hạnh phúc. Vậy, hãy lấy lòng mình suy lòng người, đừng gây điều khổ cho người khác, đừng phá hoại hạnh phúc của người khác” (Phật dạy). Như vậy, hạnh phúc an lạc hoàn toàn tùy thuộc vào chính mình, do mình. Địa ngục hay Niết bàn không ở đâu xa, mà chính ở nơi ta, ở ngay trong cuộc sống trên cõi trần gian này!
(Nguyễn Quốc Dũng)
Trong đời sống, hạnh phúc và an lạc là điều ai cũng mơ ước, mong mỏi. Nó là mục đích tối thượng, đồng thời là giá trị cao nhất của cuộc sống con người trên Trái đất này. Mọi hoạt động dù là vật chất hay tinh thần của con người chung quy đều hướng đến mục đích tối hậu là hạnh phúc và an lạc. Spinoza, một nhà toán học đồng thời là triết gia phương Tây thế kỷ XVII, đã có một nhận xét chí lý: “Hạnh phúc là mục đích của mọi hành động. Hạnh phúc là sự có mặt của các cảm giác thoải mái, và sự vắng mặt của khổ đau”. Hạnh phúc và khổ đau là hai mặt đối lập nhau của cuộc sống. Do vậy, để cuộc sống được an lạc, hạnh phúc, thì rõ ràng không có con đường nào khác là phải hành động: diệt trừ khổ đau. Đó là một chân lý vô song mà Đức Phật cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm đã dạy cho các môn đồ của mình, mà về cuối đời Ngài chỉ nói một cách ngắn gọn: “Trong suốt 45 năm thuyết pháp, xưa cũng như nay, Ta chỉ dạy có hai điều: Sự khổ và sự diệt khổ”. Hoà thượng Thích Minh Châu từng nhận định: “Giá trị bất hủ của đạo Phật chính là ở chỗ nó đã vạch ra con đường cụ thể giúp cho mỗi người chúng ta trở thành con người hoàn thiện, con người sống hạnh phúc và tự do, con người mẫu mực về trí tuệ và tình thương rộng lớn”. Quả thực, hạnh phúc và an lạc, không chỉ là ước mơ, mà là một hiện thực có thể đạt được trong chính cuộc sống hiện tại của mỗi người. Vấn đề là làm thế nào để có được hạnh phúc, an lạc cho cuộc sống vốn nhiều khổ đau này?
Đạo đức là nền tảng của hạnh phúc
Đạo đức là một vấn đề lớn của văn hóa xã hội loài người. Trên thế giới, không có dân tộc nào là không có những câu châm ngôn, tục ngữ, lời hay ý đẹp để khuyên nhủ, giáo dục đạo đức cho con người hướng thiện, làm điều tốt đẹp cho mình, cho người, để cùng nhau xây dựng một xã hội nhân ái, yêu thương, cùng nhau phát triển cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hòa bình an lạc. Đạo đức chính là nền tảng của hạnh phúc, an lạc của con người. Không có đạo đức, trật tự xã hội sẽ bị đảo lộn, con người sẽ sống trong sự lo âu, sợ hãi, bất an (về nhiều phương diện như: sinh mạng, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường…). Sinh thời, nhà bác học vĩ đại Albert Einstein đã từng lên tiếng: “Điều quan trọng nhất trong nỗ lực của con người là đạt đến đạo đức trong hành động. Sự thăng bằng nội tâm và thậm chí chính sự sinh tồn của chúng ta tùy thuộc vào nó”. Trong xã hội, đây đó đang bộc lộ hay còn tiềm ẩn khá nhiều bất trắc, đe doạ, hiểm nguy cho cuộc sống, mà chúng ta đang phải gánh chịu hoặc khó bề tránh khỏi nếu chưa sớm biết thức tỉnh. Những bất trắc đe doạ hiểm nguy ấy, rõ ràng không thể chối cãi được, là chúng bắt nguồn từ sự suy thoái, xuống cấp trầm trọng đến độ báo động của trật tự đạo đức xã hội hiện nay. Kể ra thật không xiết các tệ nạn nhức nhối đang gieo rắc, tung hoành đây đó trong các ngõ ngách của xã hội: tham nhũng, ma túy, cờ bạc, trộm cướp, ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, thực phẩm nhiễm độc, bạo lực học đường, chạy chức chạy quyền… Đó là những căn bệnh tồn tại từ lâu trong xã hội, nếu không sớm diệt trừ sẽ chuyển thành trầm kha bạo bệnh hết thuốc cứu chữa. Đừng quá tự tin vào sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật công nghệ sẽ giúp con người hoàn toàn thoát khỏi khổ đau, bệnh tật. Sự tiến bộ và thành quả vượt bậc của tri thức khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại là niềm vui, sự tự hào của nhân loại, vì nó đem đến biết bao tiện nghi, lợi ích thiết thực cho cuộc sống và đồng thời giảm nhẹ đi không ít mồ hôi công sức tiền bạc của con người. Nhưng tiếc thay, đa phần trong chúng ta đã quên mất đi rằng chỉ những tri thức tiến bộ và thành quả vượt bậc ấy thôi thì chưa đủ và chưa thể đưa cuộc sống con người đến bến bờ hạnh phúc thật sự. Từng ngày, nó đã bị lạm dụng làm phương tiện để mưu cầu “hạnh phúc” ích kỷ cho riêng mình hay phe nhóm, vô tình làm suy thoái, băng hoại cả nền tảng đạo đức xã hội, tiếp tay cho cái xấu lên ngôi, vùi lấp cái thiện lành xuống vực thẳm. Công bằng mà nói, tri thức khoa học và công nghệ không có tội. Mà chính con người vô tình tự biến mình phụ thuộc nó. Cho nên, đạo đức là vấn đề bức thiết hiện nay cần được xem trọng, đặt thành mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội, trong đó đặc biệt giáo dục phải được xem là quốc sách, lương tâm con người nhất thiết cần phải được đánh thức, bởi vì “Lương tâm là ánh sáng của trí thông minh để phân biệt điều hay điều dở” (Khổng Tử).
Cách chữa trị tận gốc rễ những căn bệnh hiện đại ngày nay của xã hội, dù nhất thời hay trầm kha, suy cho cùng, không có cách nào khác hữu hiệu cho bằng con đường giáo dục đạo đức. Luật pháp, những biện pháp răn đe trừng phạt, dù nghiêm khắc đến đâu, cũng chỉ là phương cách chữa trị tạm thời, trước mắt mà thôi.
Đạo đức là đạo lý làm người có đức hạnh, lương tâm trong cuộc sống gia đình và xã hội, mở rộng ra, dưới góc độ triết lý, với cả muôn loài, muôn vật. Do vậy, nền tảng vững chắc cho sự tìm kiếm, duy trì và bảo vệ hạnh phúc chân chính của con người không gì khác mà chính là đạo đức.
Quan niệm của phật giáo và con đường đi đến hạnh phúc
Theo quan niệm Phật giáo, tất cả các sai lầm, tội lỗi của con người đều do sự che lấp của vô minh. Vô minh ở đây là hệ quả ràng buộc của tham, sân, si. Vì tham, sân, si mà con người đã đánh mất lương tâm, lương tri, làm suy thoái văn hoá đạo đức truyền thống của cha ông. Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Socrate cũng có cùng nhận định: “Tất cả tội lỗi đều do vô minh mà ra”. Và ông khẳng định thêm: “Người trí huệ cũng bị cám dỗ bởi tham, sân, si như người vô minh, nhưng họ biết chế ngự cám dỗ và không rơi vào vòng tội lỗi”. Vậy, vấn đề hệ trọng đặt ra ở đây là làm thế nào để thoát khỏi sự kiềm tỏa của vô minh? Để làm được điều đó, cùng quan điểm với truyền thống văn hoá Việt Nam, giáo lý nhà Phật cũng cho rằng con người phải có ý thức và nỗ lực rèn luyện đạo đức bản thân. Do sự cám dỗ của dục vọng, bị lôi cuốn theo những ham muốn bất tận của lạc thú giàu sang và quyền chức, con người hiện đại luôn đối diện với chiều hướng đánh mất chính mình, bị tha hóa trầm trọng, không còn nhận ra phải trái, không biết đâu là đủ để dừng lại cho đúng lúc và điều hoà cuộc sống. Nhiều thảm cảnh bi kịch, thật đáng tiếc, đang xảy ra trong xã hội là do sự mờ ám của lòng tham vị kỷ, sân hận…
Hơn 2.500 năm qua, Đạo Phật đã đi vào cuộc sống, gắn bó gần gũi với con người mọi thời đại trên thế giới, đặc biệt ở phương Đông, trong đó có Việt Nam. Đạo Phật không tán thành lối sống nghèo đói và khổ hạnh, đồng thời cũng không đề cao cuộc sống chạy theo tham dục. Để giải thoát con người ra khỏi sự mê muội trầm luân, Đạo Phật kêu gọi con người hãy trở về với chính mình: “Trở về với con người thật, với bản tính chân thật của chính mình, trở về với đời sống hài hòa với xã hội, hài hòa với thiên nhiên, giữa thân với tâm, giữa từ bi với trí tuệ, giữa cảm xúc với lý trí”.
Con người được mệnh danh là con vật có lý trí. Có lý trí là có nhận thức phân biệt đúng sai, thiện ác. Vì vô minh che lấp, con người tự đánh mất chính mình. Cho nên, muốn quay về với con người thật của chính mình, Đức Phật đã dạy phải tìm cách vứt bỏ bức màn vô minh, chiến thắng tham sân si, các dục vọng sai lầm bất chính, nghĩa là phải chiến thắng chính bản thân, bởi các thứ ấy luôn bày binh bố trận sẵn ở trong ta. Chiến thắng được bản thân, thực ra không phải dễ, vì con người luôn có cố tật “vị kỷ, ngã chấp”. Cổ nhân nói: “Trăm trận trăm thắng không bằng chiến thắng được bản thân”, cho nên chiến thắng chính bản thân không còn gì vẻ vang bằng. Đúng như lời Phật dạy: Dầu tại bãi chiến trường Thắng ngàn ngàn quân địch Tự thắng mình tốt hơn, Ấy chiến thắng tối thượng. (Kinh Pháp cú) Chiến thắng bản thân, con người mới thực sự trở về với chính mình và sẽ sớm nhận ra cuộc sống hạnh phúc an lạc. Đó là cuộc sống hài hòa giữa Thân và Tâm, hài hòa với mọi người trong xã hội, với thiên nhiên vạn vật chung quanh. Người nào có được cuộc sống hài hòa như thế, nhà Phật cho rằng người ấy đã chứng đạt được “trí tuệ giải thoát” hay nói đơn giản là có được cái tâm “vô ngã”, “vô chấp”. Cái tâm vô ngã vô chấp là cái tâm vi diệu hòa cùng vạn vật, thiên nhiên làm một, không còn phân biệt Ta – Người. Hòa điệu chính là cội nguồn đồng thời cũng là con đường dẫn đến hạnh phúc, vì sự hòa điệu đem đến sự cân bằng, yên tĩnh cho cuộc sống tinh thần. Đạt được sự hòa điệu tuyệt diệu ấy (lý sự vô ngại), con người sẽ thoát khỏi mọi khổ đau, phiền não bởi tất cả những sự xấu xa ở đời đều do sự thiếu hòa điệu giữa con người với vũ trụ, giữa con người với con người, và giữa các yếu tố trong tâm hồn mỗi người. Với cái tâm vô ngã vô chấp, tấm lòng rộng mở, vị tha hay bằng đơn giản bằng sự hòa điệu, con người sẽ có được cuộc sống chan hòa tự do an bình. Ai đã từng bước chân đến chùa, ắt không thể không chú ý đến mấy đại tự trước cổng: Từ bi hỷ xả. Đó là bốn chữ vô cùng quen thuộc nhưng lại mang những ý nghĩa thâm sâu của đạo lý làm người, của sự hoà điệu mang đến hiệu quả hạnh phúc an lạc trong quan hệ ứng xử thân thiện với mọi người, ngay cả với thiên nhiên vạn vật: “Ai cũng muốn xa tránh điều khổ, ai cũng muốn có hạnh phúc. Vậy, hãy lấy lòng mình suy lòng người, đừng gây điều khổ cho người khác, đừng phá hoại hạnh phúc của người khác” (Phật dạy). Như vậy, hạnh phúc an lạc hoàn toàn tùy thuộc vào chính mình, do mình. Địa ngục hay Niết bàn không ở đâu xa, mà chính ở nơi ta, ở ngay trong cuộc sống trên cõi trần gian này!
(Nguyễn Quốc Dũng)
- 64 lượt