HIỂU VỀ LÒNG THAM

KHI CHÚNG TA XEM KHẢ NĂNG ĐẠT ĐƯỢC THAM VỌNG LÀ THƯỚC ĐO GIÁ TRỊ BẢN THÂN, CUỘC SỐNG CỦA CHÚNG TA SẼ CHỈ LUÔN XOAY QUANH VIỆC PHẤN ĐẤU ĐỂ CÓ ĐƯỢC BẤT CỨ THỨ GÌ MÌNH MUỒN.

Tham muốn là một hiện tượng của thời đại ngày nay, nó phản ánh lối sống của chúng ta, mặc dù hiếm khi được coi là một hiện tượng. Nó chi phối cách chúng ta hành xử mà không phải ai cũng nhận ra điều đó. Lòng tham thường đi trước cả suy nghĩ và hành động của con người.

Trong các cung bậc cảm xúc cũng như trải nghiệm, có lẽ tham muốn là xúc tình thường trực mạnh mẽ nhất. Nó như thể là trạng thái tự nhiên của con người. Cuộc sống của chúng ta xoay quanh việc làm sao để thỏa mãn ham muốn của mình. Chúng ta mong muốn có nhiều hơn, bất cứ thứ gì, bất kể khi nào, cố gắng đạt được nó và coi đó là thước đo của thành công.

Chúng ta lo sợ không đạt được thêm nhiều thành công hơn nữa. Đa phần các cuộc trà dư tửu hậu với bạn bè và người thân cũng đều xoay quanh chủ đề có thêm nữa: Ai giàu hơn, có nhiều cái này, cái kia hơn?  Sự hơn dường như được tôn vinh như một giá trị văn hóa. Tôi cần một ngôi nhà có nhiều phòng ngủ hơn, một cơ thể săn chắc hơn, một chiếc xe hơi lớn hơn, hay địa vị cao hơn, nhiều tiền hơn, nhiều quần áo hơn, học cao hơn… – một danh sách dài vô tận.



Ngay cả các thiền gia cũng mong muốn đạt được định sâu hơn, chứng ngộ nhiều hơn hoặc tham gia nhiều khóa tu hơn. Tham muốn nhiều hơn giống như bụi trong không khí, chúng ta thường xuyên hít thở nhưng lại không nhìn thấy nó.

Liệu bạn có đang để tham muốn trở thành thước đo giá trị bản thân mà không hề hay biết? Nếu đúng vậy, nó sẽ chi phối từng khoảnh khắc cuộc sống và hình thành nên các khuôn mẫu ứng xử của bạn. Lòng tham tác động trực tiếp đến cách bạn nhìn nhận, quan sát cuộc sống trong từng giây phút.
 
Khi khao khát nhiều hơn và coi đó là thước đo giá trị bản thân, chúng ta đã bị mắc bẫy cái mà Đạo Phật gọi là “tâm tham ái”. Tâm tham bị ái dục, sân giận và lo âu dẫn dắt; nó tạo ra ảo tưởng về sự kiểm soát trong một thế giới không ngừng biến đổi. Người không tính toán hơn thua, người không muốn tỏ ra giàu có hơn, người không sợ “thua cuộc ” – những người không để ham muốn chi phối cuộc sống -  đó là những người tự do thực sự.

Ham muốn có thể là một động lực để phấn đấu, vì thế bạn không phải vứt bỏ nó. Song, đừng để nó dẫn dắt cuộc sống của mình. Đó có thể là một phần nhiên liệu cho cỗ xe cuộc đời, nhưng đằng sau tay lái phải luôn là sự tỉnh thức và các giá trị sống của bạn.

Hãy suy ngẫm:
  • Hãy nhận diện ham muốn của mình mỗi ngày. Tự hỏi xem nó có giúp ích cho bạn hay không. Nếu không, hãy dành năng lượng cho những điều khác.
  • Hãy tìm hiểu xem liệu sự ham muốn này tác động ra sao đến cách bạn quan sát cuộc sống. Nó có chi phối phản ứng của bạn trong một tình huống nhất định không? Khi đọc báo hoặc xem ti vi, nó có ảnh hưởng tới cách bạn cảm nhận những gì đang xem, đang đọc hoặc nghe hay không?


Kim Thanh
(Theo Phillip Moffitt - dharmawisdom.org)