Cốt yếu của Phật pháp là gì?

Ông già tám mươi chưa chắc đã làm xong

Đời Đường, quan Thái thú Hàng Châu là Bạch Cư Dị, cũng là một thi hào nổi tiếng thời bấy giờ, nghe thiên hạ đồn có vị cao tăng đắc đạo hay ngồi thiền trên cây, thường được gọi là thiền sư Ô Sào nên đến thử xem hư thực ra sao. Vốn không ưa hạng người “lánh nợ đời” như thế, khi đến nơi và thấy cảnh tượng đó, vị quan họ Bạch cau mày hỏi:

- Sao ông lại ngồi thiền ở chỗ chênh vênh nguy hiểm như thế?

Thiền sư Ô Sào bình thản đáp:

- Có chi nguy hiểm, chỗ của tôi xem ra còn vững vàng hơn chỗ của quan lớn đang an tọa đó.

- Ta là đại quan triều đình, dưới có cả vạn quân, trấn cả giang sơn, cớ sao ông bảo nguy hiểm?

- Tính mạng của đại quan cùng thân quyến đều lệ thuộc vào sự yêu ghét của vua, tâm tật đố tỵ hiềm của quan lại trong triều. Một chiếc ghế được kê trên đầu lưỡi của thiên hạ như thế thì có vững chắc không?

Bạch Cư Dị  giật mình thấy những lời của thiền sư cũng có lý, liền đổi thái độ, cung kính hỏi thiền sư:

- Vậy cốt yếu của Phật pháp là gì?

Bấy giờ Thiền sư Ô Sào mới đọc bài kệ:

‘Tránh làm các điều ác
Năng làm các điều lành
Điều phục tâm ý mình
Đó là lời Phật dạy.’

Bạch Cư Dị nghe xong liền đáp:

- Mấy điều này thì đứa trẻ lên ba cũng biết!

Thiền sư Ô Sào cười nói:

- Thưa đại quan, đứa trẻ lên ba cũng biết nhưng ông già tám mươi chưa chắc đã làm xong…

Đa phần chúng ta cũng giống như Bạch Cư Dị, xem thường những câu kệ đơn sơ này bởi chưa hiểu được ý nghĩa sâu sắc của lời Phật dạy.

Tránh làm các điều ác

Mọi người thường cho rằng bản thân mình là tốt, là nhân hậu, đa phần chẳng ai tự nghĩ rằng mình ác nên việc dạy ‘tránh làm điều ác’ giống như dạy con nít, ai mà không biết, nên khi nghe vậy chúng ta thường khinh lờn bỏ qua. Quan niệm về cái ác trong Đạo Phật sâu sắc hơn lối suy nghĩ thông thường của phàm phu. Hàng ngày chúng ta vẫn làm ác, nói ác, nghĩ ác mà vẫn cho là mình hoàn toàn lương thiện.

Phật dạy 5 điều mà con người nên tránh, đó là: Sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nghiện ngập và dối trá. Nói đến chuyện trộm cắp hay tà dâm, có thể nhiều người cho rằng mình hoàn toàn ‘vô can’, nhưng đa phần chúng ta vẫn tự cho mình quyền đương nhiên được sát sinh các loài khác, chúng ta ăn thịt đủ các loài động vật cho sướng miệng hay giết các loài côn trùng mà chúng ta cho là ‘đáng ghét’.

Chúng ta thích khoe khoang những hình ảnh mình tiệc tùng và thưởng thức đủ loại của ngon vật lạ trên mạng và lấy làm tự hào về điều đó.

Chúng ta tổ chức tiệc mừng thọ cho bố mẹ ông bà và tự hào cho rằng mình là người con hiếu hạnh mà không chút mảy may suy nghĩ về nỗi khổ của những con vật bị lóc da, mổ bụng moi gan, chiên nấu để làm mồi cho chúng ta ăn nhậu. Thật ra chúng cũng ham sống sợ chết y như con người vậy. Hành xử như vậy đã thực sự thiện chưa?

Lại nữa, chúng ta thử nhìn lại mình xem mỗi ngày chúng ta nói bao nhiều lời giả dối, những lời cay nghiệt ác khẩu, lợi mình hại người, chúng ta thích bình phẩm, hạ thấp người khác, có khi là những người hoàn toàn xa lạ mà chúng ta không hề biết gì về họ. Chúng ta thích bàn luận những chuyện phù phiếm vô nghĩa. Còn về suy nghĩ thì sao? Chúng ta để những tư tưởng tham lam, sân giận, kiêu mạn, đố kỵ, định kiến… làm chủ tâm trí và sai khiến chúng ta 24/24. Đạo Phật gọi đó là những điều ác ở trên ba phương diện: suy nghĩ, lời nói và hành động mà ta nên tránh.

Năng làm các điều lành

Tránh làm các điều ác thôi thì vẫn chưa đủ, Phật dạy chúng ta phải làm những điều thiện lành, tử tế. Con người thường chỉ thích làm những điều tốt cho những người mà mình ưa thích, như bạn bè người thân yêu của mình. Chúng ta cho rằng như vậy đã là tốt đẹp, nhưng suy ngẫm kỹ, trong những điều chúng ta làm và cho là thiện ấy, bao nhiêu % là thực sự vị tha vô tư, hay thực chất chúng chỉ để thoả mãn, vỗ về cái bản ngã của mình? Tình cảm thế gian thường có điều kiện và vô thường. Khi những người chúng ta yêu không còn chiều theo ý mình và yêu thương mình như trước nữa, thì tình yêu có thể biến thành hận thù ngay lập tức. Vậy thế nào là thiện? Đó là những việc làm lợi ích cho bản thân và người khác, loài khác, dựa trên tinh thân vô ngã vị tha.

Phật dạy chúng ta không chỉ tránh sát sinh mà còn phải cứu mạng chúng sinh, xuất phát từ tâm từ bi thương yêu muôn loài. Chúng ta không những không trộm cắp mà còn bố thí, chia sẻ yêu thương, giúp đỡ chúng sinh không phân biệt thân sơ, sang hèn.

Thay vì nói những lời giả dối, cay nghiệt, thêu dệt phù phiếm, chúng ta cẩn trọng trong từng lời nói của mình để nâng đỡ, động viên, truyền năng lượng tích cực cho mọi người. Hơn thế nữa, để có một đời sống thực sự tỉnh thức và an lạc, Đức Phật dạy chúng ta thực hành 6 pháp căn bản gọi là lục độ, gồm: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Đây chính là con đường thiện lành dẫn đến hạnh phúc trọn vẹn, giải thoát con người khỏi mọi ràng buộc của luân hồi sinh tử.
 
Điều phục tâm mình

Suy cho cùng, mọi khổ đau hay hạnh phúc trong đời sống cũng đều từ tâm của chúng ta mà ra. ‘Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ’, ngược lại, khi trong lòng vui thì dù ngoại cảnh thế nào mình vẫn cảm thấy hạnh phúc. Vạn pháp duy tâm tạo là vậy. Đạo Phật không dạy chúng ta điều khác ngoài việc hiểu về chính mình, về con người thật của mình. Chỉ khi hiểu được sự vận hành của tâm mình, chúng ta mới có thể điều phục được tâm. Khi đó, chúng ta sẽ không cần phải tìm cầu hạnh phúc từ những thứ bên ngoài bởi đã khám phá được nguồn hạnh phúc nội tại sẵn có ngay trong tâm mình.

Giờ đây, tâm của chúng ta rất hoang dã, Phật dạy nó giống như con khỉ lăng xăng nhảy nhót liên hồi không yên. Chúng ta ngày đêm sống trong vọng tưởng, suy nghĩ miên man. Tâm chúng ta bị xoay vần bởi ‘8 ngọn gió đời’ gồm được - mất, vinh - nhục, khen - chê, khổ - vui. Vì không kiểm soát được tâm nên cả đời chúng ta chỉ chạy theo ngũ dục là tiền bạc, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ. Nhưng đó chỉ là một cái vòng luẩn quẩn khiến chúng ta luôn cảm thấy thiếu vắng một điều gì đó, và cảm giác bất mãn luôn trực chờ, bởi cũng giống như người uống nước biển, càng uống sẽ càng khát. Phật gọi đó là cách sống của kẻ dại, thiếu tỉnh thức.

Nếu không quay vào trong tìm hiểu về tâm mình, điều phục tâm mình thì chúng ta trở thành những con rối bị những xúc tình phiền não tham sân si giật dây kích động, và đánh mất mình. Bởi vậy, Phật dạy rằng chiến thắng vạn quân cũng không bằng chiến thắng tâm tham lam, sân hận, si mê. Rèn luyện và làm chủ được tâm là chiến thắng tối thượng. Người trí phải học cách sống chánh niệm, phòng hộ tâm, trưởng dưỡng định lực, không để tâm buông lung phóng dật. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể làm chủ được lời nói, hành động của mình và sống một cuộc đời thực sự hạnh phúc và ý nghĩa.

Đạo Phật là đạo trải nghiệm và thực hành chứ không chỉ lý thuyết suông. Bởi vậy, bài kệ chỉ vẻn vẹn có 4 câu nhưng là tinh tuý của giáo lý nhà Phật mà chúng ta phải nỗ lực thực hành cả đời mới có thể chứng đắc được. Bởi vậy mà một đứa bé ba tuổi có thể biết nhưng cụ già tám mươi chưa chắc đã làm được.

Đạo Phật đề cao nhân quả, nếu chúng ta cứ tiếp tục gieo nhân ác, mà lại mong hái quả an lạc thì thật là ảo tưởng. Bởi vậy, tránh ác, làm lành, giữ tâm ý trong sạch là chúng ta đang gieo những hạt giống an lành để vun trồng hạnh phúc không chỉ cho đời sống hiện tại mà trong vô số kiếp tương lai.

a dark hair man in red sitting meditation, autumn forest, falling yellow leaves, sunrise, view from behind, perfect comp...

(Pháp Nhiên)