Làm sao cải thiện chất lượng cuộc sống?

Nhiều người chỉ lo tập thể dục cho thân mà ít ai để ý đến việc rèn luyện, “tập thể dục” cho tâm. Trong lúc đó chúng ta luôn sống với tâm (kể cả khi thân thể này chết đi, nếu chúng ta tin vào sự tái sinh), thế nhưng tại sao chúng ta lại không dành thì giờ để tập luyện, làm cho nó lành mạnh? Tại sao chúng ta không “nâng cấp” chất lượng sống bằng cách “nâng cấp” chất lượng của tâm, nghĩa là đánh thức sự linh hoạt sống động của nó, không để nó bị “hóa thạch” trong những ý niệm và thành kiến khô cằn, không bị méo mó, tàn tật và tê liệt trong những thói quen cố chấp, trong sự loạn thần, với những hao phí mất năng lượng của tâm…

Giá trị của một đời người là chiều rộng và chiều sâu của cuộc đời đó.
 
Nói cách khác, đó là sự phong phú, đa dạng và sự sâu thẳm trong đời sống của con người. Về chiều rộng, chúng ta luôn tìm cách để hiểu biết thêm, trải nghiệm thêm qua báo chí, sách; qua nghiên cứu, tiếp xúc, giao tiếp, du lịch… Chúng ta luôn trải rộng thêm những kinh nghiệm của mình về đời sống. 

Và rồi, chúng ta không chỉ muốn kinh nghiệm và hiểu biết đời sống ở mặt rộng mà chúng ta còn muốn kinh nghiệm và hiểu biết về bề sâu. Khi uống trà hay cà-phê, chúng ta muốn thưởng thức cái hương vị đậm đà của nó, cái “hậu” của nó. Đó là về mặt cảm giác. Về mặt ý thức, chúng ta còn muốn ngồi với một vài người bạn. Và những người bạn đó biết nói chuyện, biết lắng nghe, biết cảm thông, chia sẻ thì những tách trà, ly cà phê đó càng trở nên thú vị, nghĩa là câu chuyện sẽ đem đến cho chúng ta những thông tin giá trị, sâu sắc. Trong tình yêu cũng thế, chúng ta không chỉ muốn biết về ngoại hình của người ấy, mà còn muốn biết về chiều sâu tâm hồn và nhân cách của người đó. Như vậy khi cưới rồi sống chung với nhau vài chục năm sau, chúng ta vẫn còn ngạc nhiên thích thú trong sự khám phá chiều sâu tâm hồn của người mình yêu qua các vai trò giữa đời sống xã hội.

Sự khám phá chiều rộng và chiều sâu của đời sống đã tạo nên văn hóa, văn minh của loài người.  

Giá trị của đời sống là chiều sâu và chiều rộng của mỗi cuộc đời con người, và đó là điều mà chúng ta luôn tìm cách khám phá. Đời sống là tất cả những gì biểu lộ, trình diện cho chúng ta qua kinh nghiệm. Đời sống là  kinh nghiệm của chúng ta về nó. Hiểu biết của chúng ta về đời sống là qua kinh nghiệm. Khi đời sống có nghĩa là những kinh nghiệm thì chiều rộng và chiều sâu của nó chỉ có thể có khi kinh nghiệm của chúng ta có chiều rộng và chiều sâu. Nói cách khác, đời sống chỉ hiển bày chiều rộng và chiều sâu của nó trước một tâm thức có chiều rộng và chiều sâu. Chúng ta thấy, ở bình diện cảm giác và bản năng thì từ một người bình thường cho đến một nhà khoa học, một nghệ sĩ, một vị thánh, tất cả đều hiểu biết, khám phá đời sống qua kinh nghiệm của chính họ. Tùy theo chiều kích của kinh nghiệm về đời sống của họ, hay nói cách khác, chiều kích tâm thức của họ mà có sự phân biệt cấp bậc, vị trí cũng như vai trò, giá trị sống của họ.

Tâm thức chúng ta quyết định chất lượng của đời sống chúng ta.

Thưởng thức một bữa ăn ngon mà tâm chúng ta phiền muộn thì nhiều khi chính trong bữa ăn ấy có những cực hình. Ăn mà tâm cứ đi đâu, lo việc gì ở đâu đâu thì còn làm sao biết được hương vị của đời sống. Tâm không có mặt ở hiện tại thì chúng ta có mắt để nhìn nhưng chẳng thấy, có tai để nghe mà chẳng nghe được âm thanh của cuộc đời, ăn mà chẳng biết mùi vị… Nếu tâm ta “chẳng tại”, không ở tại đây và bây giờ, thì ta chẳng thưởng thức, cảm nhận, hiểu biết gì về đời sống cả. Để dành tiền đi du lịch, cùng một tour như nhau, với một giá tiền như nhau, nhưng mỗi người sẽ có một cách cảm nhận, thưởng thức, hưởng thụ mỗi khác. Người đi để quên nỗi buồn trong mình thì đôi khi lại buồn thêm. Có người sau một chuyến đi, đọng lại chỉ là “kinh nghiệm” về những món ăn, một vài hình ảnh phong cảnh và con người khác lạ. Có người cảm thụ sâu sắc hơn, trong họ sẽ có những ấn tượng khó phai về đất nước và con người ở xứ sở ấy, và như vậy, họ hiểu bản thân mình hơn.

Sự khác biệt trong thưởng thức, nhận thức, cảm nhận, hiểu biết… là do sự khác biệt trong độ rộng và chiều sâu của tâm thức mỗi người. Đọc một tờ báo vào buổi sáng, có người chỉ tìm thấy ở đó vài bản tin giật gân, nhưng cũng có người qua tờ báo đó thôi, họ sống được với xã hội của mình, thế giới của mình, cảm nhận được những hy vọng và thất vọng trong thời đại mình đang sống. Chả thế mà có người nói rằng những nhà văn lớn là những người đã sống bằng thân tâm của chính họ với thời đại của họ, bởi vậy cái nhìn, tiếng nói, những vui buồn của họ cũng là cái nhìn, tiếng nói, niềm vui nỗi buồn của một thời đại, nơi mà họ đang sống.  

Đời sống là sự phản ảnh, sự nối dài của tâm thức. Tâm thức mà méo mó, rối rắm, nghèo nàn, “hoang vu” thì làm sao đời sống trong kinh nghiệm cá nhân tránh khỏi những khổ đau, xung đột và cằn khô như sa mạc. Từ đó, chúng ta thấy, muốn chữa lành những vết thương của đời sống con người, đời sống xã hội, điều tiên quyết là phải chữa lành những vết thương trong tâm thức, tâm thức của con người và tâm thức của xã hội.  

Giá trị của đời sống, chiều rộng và chiều sâu của đời sống là do chiều rộng và chiều sâu của tâm thức.

Chất lượng của đời sống tùy thuộc phần lớn vào chất lượng của tâm thức. Sự khám phá đời sống, sự học hỏi trọn đời – như UNESCO đề nghị cho con người hiện đại – nơi đời sống tùy thuộc vào tâm thức. Tâm thức càng rộng và càng sâu thì sự khám phá, học hỏi trọn đời càng rộng và càng sâu, càng có chất lượng. Nhưng làm thế nào để tâm thức có chiều rộng và chiều sâu, trong tiềm năng mà Phật giáo gọi là vô tận?  

Chỉ nói riêng Phật giáo, một truyền thống tâm linh lâu đời của nhân loại, thì sự khai mở bề rộng lẫn chiều sâu của tâm thức chủ yếu dựa vào thiền định hay thiền quán… 

Quan sát trong cuộc sống, rất nhiều người chỉ lo tập thể dục cho thân mà ít ai để ý đến việc rèn luyện, “tập thể dục” cho tâm. Trong lúc đó chúng ta luôn sống với tâm (kể cả khi thân thể này chết đi, nếu chúng ta tin vào sự tái sinh), thế nhưng tại sao chúng ta lại không dành thì giờ để tập luyện, làm cho nó lành mạnh? Tại sao chúng ta không “nâng cấp” chất lượng sống bằng cách “nâng cấp” chất lượng của tâm, nghĩa là đánh thức sự linh hoạt sống động của nó, không để nó bị “hóa thạch” trong những ý niệm và thành kiến khô cằn, không bị méo mó, tàn tật và tê liệt trong những thói quen cố chấp, trong sự loạn thần, với những hao phí mất năng lượng của tâm. 

Chất lượng của đời sống chính là chất lượng của tâm. Tâm càng rộng và sâu đến mực “tối hậu” thì nó càng đến gần kinh nghiệm tối hậu. Kinh nghiệm tối hậu là kinh nghiệm về “thật tướng của tất cả các pháp” (Theo Kinh Pháp Hoa, có nghĩa là thật tướng của tất cả hiện tượng, thật tướng của đời sống), nó cũng có nghĩa là sự thỏa nguyện tối hậu, an vui tối hậu.  


(Nguyễn Thế Đăng)