Tử tế với bản thân

Trong công việc, chúng ta khá nghiêm khắc với bản thân. Người ta mong đợi ở chúng ta rất nhiều thứ, và để đạt được thành quả như mong đợi, ta phải chịu nhiều áp lực từ công việc. Chúng ta muốn được nhìn nhận là người có năng lực và khả năng - và rồi chúng ta phải sống đúng với nguyện vọng của chính mình. Thời gian biểu chật kín, những thử thách phức tạp, những quyết định mạo hiểm, và nhiều thứ nữa làm cho chúng ta làm việc với một tốc độ quá nhanh. Phương châm “Hãy tử tế với bản thân” khuyên chúng ta phải nhẹ nhàng một tí, phải chậm lại và đối xử với bản thân một cách đàng hoàng, tử tế.

Cơ bản, việc tử tế với bản thân rất đơn giản như “uống một tách trà”. Chúng ta có thể thực hiện phương châm đó một cách thật cụ thể - dừng tay làm việc, thưởng thức một tách trà, ngửi nếm mùi hương, có thể nhâm nhi với một cái bánh ngọt hoặc một miếng bánh lạt với phô-mai. Chúng ta dừng lại, dành cho bản thân một khoảng khắc thư giãn, để có thể tận hưởng thế giới quanh ta mà không phải bận tâm đến công việc. Dầu chỉ là một tách trà, hay bách bộ trong công viên, hay đôi giây phút bên bình nước mát, việc tử tế với bản thân sơ đẳng nhất cũng tạo cho ta cơ hội để rời khỏi nhịp độ làm việc, và tận hưởng những niềm vui đơn giản khi chúng ta còn sống trên đời.

Tử tế với bản thân cũng khích lệ chúng ta xem công việc làm như là con đường tâm linh hơn là tấm thẻ ghi điểm. Chúng ta sẽ đạt được những thành quả to tát ở nơi làm việc. Quan trọng không kém, là chúng ta cũng sẽ sai phạm - một số lỗi nhỏ, có thể sửa chữa và một số lỗi khác nghiêm trọng, khó xử lý. Thừa nhận, ghi nhớ các lỗi lầm và sai trái của ta ở nơi làm việc là một phần của cuộc chơi. Nhưng không nên quá quan tâm đến việc ghi điểm tốt xấu. Khi công việc làm trở thành con đường tâm linh của chúng ta, thì ta thừa nhận rằng công việc làm là một bãi chiến trường, rằng chúng ta sẽ sai phạm, và những lỗi lầm đó đóng một vai trò quan trọng trong quá trình học hỏi của chúng ta. Tử tế với bản thân có nghĩa là chúng ta không cần phải tự hành hạ bản thân vì sai sót trong việc đánh giá, sai lầm chính trị, hoặc sơ sót trong công việc.

Chúng ta đang trên con đường huân tập tỉnh thức trong công việc như thế nào, và các lầm lỗi của chúng ta là những bài học quan trọng. Thay vì quá nghiêm khắc với bản thân vì lầm lỗi, sự tử tế với bản thân giúp chúng ta có cái nhìn mới, tiếp thu bài học, và tiếp tục tiến bước - làm thoáng mát thế giới trên từng bước ta đi. Việc tử tế với bản thân đem lại sự thông thoáng cho tất cả mọi người xung quanh: đồng nghiệp, bằng hữu, và gia đình. Cuối cùng, tử tế với bản thân giúp chúng ta thư giãn. Thư giãn trong ý nghĩa là chúng ta có thể buông bỏ gánh nặng trong việc chấp chặt vào quan điểm của mình. Lúc bị áp lực, chúng ta có thể thấy bản thân trở nên bảo thủ, cứng nhắc - có thể xem bản thân hơi quá quan trọng.

Có thể chúng ta phải kiên định trong việc thay đổi thời hạn hoặc trong việc thay thế một thành viên trong dự án, người đang nổi giận và đổ lỗi cho chúng ta gây ra bao vấn đề trước mắt. Phương châm “Hãy tử tế với bản thân” khuyên chúng ta nên bỏ gánh nặng duy trì quan điểm xuống. Chúng ta có thể thư giãn, lắng nghe và thích ứng – có mặt trong mọi hoàn cảnh dù nó dây dưa, phiền toái. Tử tế với bản thân có nghĩa là bất cứ khi nào công việc - và cuộc sống nói chung - không xảy ra theo ý muốn, chúng ta có thể ngưng lại, bỏ những gánh nặng xuống, tự ban cho mình “tách trà”, và tự nhủ rằng chúng ta không chỉ đang làm việc mà là đang tỉnh thức trong công việc.


(Theo ‘Tỉnh thức trong công việc’ – Michael Carroll)