Sự Nghi Ngờ Cần Thiết

Một tâm thức rộng mở và biết đặt nghi vấn hoàn toàn không bị coi là trở ngại đối với những người tìm cầu Phật pháp. Tuy nhiên, quan niệm rằng: “Điều này không nằm trong cái khung nhận thức của tôi, vì thế tôi không tin” thì lại là một tâm thức khép kín, và chính một thái độ như thế mới là điều bất lợi lớn cho những ai có khát vọng theo đuổi bất kỳ một con đường tâm linh nào. Ngược lại, một tâm hồn rộng mở, luôn đặt câu hỏi và không chấp nhận sự việc chỉ vì điều đó đã được nói ra, thì lại không gặp chút khó khăn nào.
 
Nghi vấn với tâm rộng mở
 
Một bản kinh nổi tiếng có nói về một nhóm dân làng đến thăm Đức Phật. Họ thưa với Ngài, “Nhiều bậc thầy đã đi qua đây. Mỗi vị đều có một học thuyết riêng. Mỗi vị đều tuyên bố rằng triết lý và sự tu tập của vị ấy là chân lý, nhưng tất cả những vị ấy đều chống đối nhau. Nay chúng con thật sự hoang mang. Chúng con nên làm thế nào”. Đó đã là chuyện của hơn hai mươi lăm thế kỷ trước, nhưng không hề xưa cũ. Đức Phật đã trả lời, “Qúy vị có quyền hoang mang. Đó là một tình thế gây hoang mang. Đừng nên lập tức tin vào bất kỳ điều gì chỉ vì điều đó là truyền thống, hoặc vì được nói ra bởi các bậc thầy danh tiếng, hoặc lấy ra từ kinh điển. Khi nào quý vị tự thấy biết và tự trải nghiệm điều đó là đúng, là chân thật, bấy giờ quý vị có thể chấp nhận nó”.
 
Lúc ấy, lời khuyên đó quả là một lời tuyên ngôn mang tính chất cách mạng, vì hiển nhiên Đức Phật cũng nói như thế đối với chính giáo pháp của Ngài. Xuyên xuốt bao thời đại, người ta biết rằng giáo pháp của Đức Phật là để được khám phá và trải nghiệm bởi từng cá nhân. Cho nên người ta không phải ngại ngần khi có sự nghi ngờ. 

Chúng ta đặt câu hỏi là đúng. Nhưng chúng ta cần đặt nghi vấn nhưng với một trái tim và một tâm thức rộng mở, chứ đừng cho rằng điều gì phù hợp với những quan niệm của ta mới là đúng, còn bất kỳ điều gì trái ngược với những quan niệm ấy thì đương nhiên là sai. Thái độ sau thì giống chúng ta có một cái khuôn định sẵn thích hợp, và bất kỳ điều gì ta tình cờ gặp phải đều hoặc bị kéo dài ra hoặc bị cắt ngắn đi cho phù hợp với cái khuôn ấy. Điều đó chỉ làm méo mó mọi vật và cản trở việc học hỏi.
 
Có khi chúng ta gặp phải những điều nào đó mà chúng ta cảm thấy khó chấp nhận được ngay cả khi đã điều tra tìm hiểu một cách thật cẩn thận.
Tôi thường tìm đến bậc thầy của mình và tham vấn ngài về những điều mình còn nghi ngại như thế, và ngài thường trả lời rằng, “Điều đó cũng tốt. Hiển nhiên, cô chưa thực sự có một mối liên kết với học thuyết đặc biệt ấy. Điều đó chẳng phải là vấn đề. Chỉ cần tạm gác nó qua một bên. Đừng nói, “Ồ không, điều đó không đúng”. Mà hãy nói “Tại lúc này, tâm thức tôi chưa nắm bắt được điều đó”. Về sau, có thể cô đánh giá đúng điều đó, mà cũng có thể cô sẽ không nắm bắt được nó. Điều đó không quan trọng”.
 
Chúng ta cũng nên nhận biết rằng khả năng nhận thức của chúng ta vẫn chỉ là nhận thức thế tục. Chúng ta vẫn chưa có được một tâm thức rộng khắp. Chúng ta chỉ có một cái nhìn rất hạn hẹp. Cho nên dứt khoát là vẫn có vô số những điều mà nhận thức thế tục thông thường của chúng ta chẳng thể nào nếm trải một cách trực tiếp. Mà điều đó không có nghĩa những điều ta không đủ sức nhận thức là những gì không hiện hữu.
Và một điều quan trọng nữa là giữ được một tâm thức rộng mở. Nếu người khác có những kinh nghiệm sâu sắc hơn về một điều gì đó, ít nhất, ta nên có khả năng nói,” Có thể điều đó đúng là như vậy’.Ta không nên lấy cái tâm hạn hẹp và vô minh của ta làm tiêu chuẩn. Mà chúng ta phải nhớ rằng tâm thức hạn hẹp và vô minh của ta hoàn toàn có thể được chuyển hóa.
 
Đó là tất cả những gì con đường hướng đến. Tâm thức của chúng ta ngày càng trở nên rộng mở hơn và khoáng đạt hơn khi chúng ta tiến bộ. Chúng ta bắt đầu nhìn thấy mọi sự vật một cách rõ ràng hơn. Chúng ta cần phải kiên nhẫn. Chúng ta không nên kỳ vọng có thể nhanh chóng thấu hiểu được những giải thích sâu sắc của một tâm thức minh triết.
 
Chắc hẳn chúng ta đều biết đến một số tác phẩm nào đó nói về sự minh triết mà chúng ta có thể đọc đi đọc lại nhiều lần năm này qua năm khác; và mỗi lần đọc lại, ta vẫn có cảm tưởng như ta mới đọc chúng lần đầu. Đó là vì tâm thức chúng ta đang mở rộng, chúng ta bắt đầu khám phá những tầng bậc ngày càng sâu hơn của ý nghĩa mà chúng ta không thể thấy được trong lần đọc trước đó. Con đường tâm linh chân thật cũng như vậy. Nó có những tầng bậc, thứ lớp của ý nghĩa, và chúng ta chỉ có thể hiểu những khái niệm của các tầng bậc tiếp cận được bởi trình độ tâm thức hiện tại của ta.

Mỗi người đều có những điểm vướng mắc khác nhau. Có những điều mà một số người thấy là hết sức khó nắm bắt nhưng lại vô cùng giản dị đối với tôi. Ngược lại, có những điều hết sức khó khăn đối với tôi, thì những người khác lại dễ dàng hiểu và chấp nhận. Tất cả chúng ta đều đến từ những nền giáo dục, môi trường khác nhau, và như thế, mỗi người chúng ta đều có những vấn đề riêng của mình. Nhưng điều quan trọng là nhận biết những vấn đề đó không phải là chuyện lớn lao. Việc nghi vấn và tìm cầu lời giải đáp thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước và giữ cho chúng ta luôn tỉnh táo.
 
Niềm tin vào Phật tính sẵn có
 
Đã có những lúc mà toàn thể đời sống tâm linh của tôi được đặt dưới một dấu hỏi to lớn. Nhưng thay vì bỏ qua những câu hỏi ấy, tôi đã đưa từng vấn đề một ra để truy vấn và khảo sát cặn kẽ. Khi đã vượt qua được, tôi nhận ra rằng đơn giản đó không phải là vấn đề. Chúng ta có thể hoàn toàn hạnh phúc với một dấu hỏi. 
 
Điều chúng ta cần là phát triển sự tự tin vào những phẩm chất nội tại sẵn có. Tất cả chúng ta đều có Phật tính. Chúng ta có tất cả những phẩm chất, trí tuệ cần thiết cho hành trình tâm linh của mình. Nếu thiếu niềm tin đó, chúng ta sẽ rất khó dấn thân vì chúng ta không có nền tảng.
 
Tại sao việc tin rằng chúng ta có Phật tính lại khó khăn đến vậy? Cơ bản là vì tâm lý con người. Chúng ta thiếu kiến thức về việc ta là ai và vai trò của chúng ta là gì trong cuộc sống này. Vì không biết mình là ai, chúng ta cảm thấy xa cách với mọi người. Chính cảm giác về một ‘bản ngã’ tồn tại chắc thật khiến chúng ta sợ hãi, giận dữ, bám chấp, đố kỵ và bất an. Đức Phật dạy rằng Bản chất vốn có của chúng ta là thanh tịnh, không ràng buộc dính mắc.
 
Tất cả những gì chúng ta phải làm là nhận ra ta thực sự là ai, và ý nghĩa thực sự của con đường tâm linh là gì. Điều đó không dựa trên tín ngưỡng, mà dựa trên những kinh nghiệm, và kinh nghiệm dẫn tới nhận thức. Mặc dù chúng ta cần học kinh điển, phải biết Đức Phật hay các bậc thầy đã dạy điều gì, bởi các ngài đã đi trước ta và đã để lại cho chúng ta những tấm bản đồ để chúng ta có thể lần theo.
 
Điều đó cũng hơi giống như là đọc một tập du ký. Chúng ta có thể đọc một tập du ký và có cảm tưởng là chúng ta đã có mặt ở nơi mà tập du ký nói đến, nhưng thật sự, chúng ta chưa bao giờ ở đó. Những điều đó chỉ là kinh nghiệm du hành của một ai khác. Vì khi ta đi tới đó, ta sẽ có những kinh nghiệm riêng của ta. Theo con đường đạo là để có những trải nghiệm về con đường ấy cho chính mình. Trải nghiệm ấy không dựa trên những gì mà người khác mô tả. Nó không dựa trên một niềm tin mù quáng. Tất nhiên, chúng ta cần một mức độ tin nào đó để ‘mua một chiếc vé’ và bắt đầu cuộc hành trình của chính mình. Chúng ta tin xứ sở đó hiện hữu và đó là một nơi đáng khám phá. Nhưng điều quan trọng là lên đường và có sự trải nghiệm của riêng mình.
 
(Ni sư Tenzin Palmo - Khánh Uyên dịch)