Stress – một trong những nguyên nhân chính gây Tiểu Đường

Stress là phản ứng của cơ thể khi cố gắng thích nghi với những thay đổi từ bên trong và bên ngoài môi trường sống. Trong cuộc sống hiện đại, tình trạng này là một phần tất yếu không thể tránh khỏi. Stress có thể bắt nguồn từ rất nhiều yếu tố như khó khăn trong công việc, áp lực học tập, lo lắng về tài chính, sức khỏe, chăm sóc con cái,…

Stress không chỉ gia tăng các vấn đề tâm lý mà còn là nguyên nhân sâu xa của nhiều bệnh lý thể chất như viêm loét dạ dày, mất ngủ, cao huyết áp và làm tăng đường huyết – yếu tố gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Các hormone gây stress (cortisol và andrenalin) là nguyên nhân trực tiếp làm tăng đường huyết

Tăng đường huyết thường xảy ra khi dung nạp một lượng lớn đường trong chế độ ăn hằng ngày. Tuy nhiên trên thực tế, đường huyết có thể tăng lên đáng kể khi phải đối mặt với stress dù chế độ dinh dưỡng hoàn toàn không thay đổi. Nguyên nhân là do các hormone gây stress như adrenaline và cortisol “cố ý” giữ cho lượng đường trong máu luôn cao nhằm cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng dồi dào.

Ngoài ra, các hormone này cũng làm tăng huyết áp, nhịp tim và nhịp thở để cơ thể thích nghi với những thay đổi từ bên trong hoặc bên ngoài môi trường sống. Về cơ bản, phản ứng sinh học do stress được tạo ra với những mục đích tích cực. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài sẽ gây ra nhiều vấn đề, trong đó có tình trạng tăng đường huyết gây tiểu đường.

Ngoài việc giữ cho lượng đường trong máu luôn cao, stress còn gây ra nhiều rối loạn bên trong cơ thể. Các chuyên gia nhận thấy, hormone cortisol tăng mạnh dẫn đến hiện tượng viêm mãn tính ở nhiều cơ quan bao gồm cả tuyến tụy. Tuyến tụy là nơi sản xuất insulin để chuyển hóa đường. Tình trạng viêm tuyến tụy sẽ làm tăng tính kháng insulin khiến cho cơ thể không kiểm soát được lượng đường trong máu và hậu quả là gây ra bệnh tiểu đường.

Một lý do khác giải thích cho việc stress có thể làm tăng đường huyết là khi bị căng thẳng, sự thay đổi của các hormone có thể khiến bạn ăn uống không kiểm soát và đặc biệt ưa chuộng đồ ngọt. Bởi khi dung nạp đồ ngọt, não bộ sẽ sản sinh dopamine có tác dụng thư giãn, tạo cảm giác vui vẻ và thoải mái. Khi căng thẳng xảy ra thường xuyên, bạn sẽ liên tục dùng đồ ngột để cải thiện tâm trạng và hậu quả là tăng đường huyết, hay nghiêm trọng hơn là mắc bệnh tiểu đường type 2.

Mối liên hệ giữa stress và bệnh tiểu đường

Tiểu đường là một dạng rối loạn chuyển hóa mãn tính với đặc điểm là tăng đường huyết trong thời gian dài. Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị dứt điểm nên người bệnh buộc phải sống chung với bệnh trong suốt cuộc đời. Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường thường là do di truyền, thừa cân – béo phì, chế độ ăn uống nhiều đường và stress.

Như đã đề cập, stress kéo dài khiến cho hormone cortisol và adrenaline tăng mạnh. Hai loại hormone này giữ cho đường huyết trong máu luôn cao với mục đích cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng dồi dào. Ngoài ra, hormone cortisol còn gia tăng hiện tượng kháng insulin và kích thích cảm giác thèm ăn quá mức. Những yếu tố này đều làm gia tăng lượng đường trong máu và về lâu dài sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường.
Stress và tiểu đường là hai vấn đề sức khỏe có mối liên hệ chặt chẽ, tác động qua lại

Trên thực tế, stress và tiểu đường là hai vấn đề sức khỏe có mối liên hệ chặt chẽ và tác động qua lại. Căng thẳng không chỉ làm tăng đường huyết và khiến triệu chứng của bệnh trở nên nghiêm trọng hơn mà tiểu đường cũng có thể là nguyên nhân gây stress.

Bệnh tiểu đường gây ra rất nhiều phiền toái trong cuộc sống và khiến sức khỏe suy giảm nghiêm trọng. Những ảnh hưởng của bệnh lý này chính là tác nhân gây stress khiến bệnh nhân dễ rơi vào trạng thái căng thẳng. Do đó trong quá trình điều trị tiểu đường, ngoài lối sống khoa học, bệnh nhân cần phải giữ tinh thần lạc quan và vui vẻ. Ngoài căng thẳng thần kinh, tiểu đường cũng làm gia tăng nguy cơ bị rối loạn lo âu, trầm cảm và nhiều rối loạn tâm thần khác.

Nhận biết sớm dấu hiệu tăng đường huyết do stress

Tăng đường huyết là phản ứng của cơ thể khi đối mặt với stress. Tuy nhiên, tình trạng này không có biểu hiện rõ ràng nên rất khó nhận biết. Nếu không phát hiện sớm và có biện pháp khắc phục kịp thời, bạn có thể phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và hàng loạt các vấn đề sức khỏe mãn tính khác.
Tình trạng tăng đường huyết do stress biểu hiện qua một số dấu hiệu như uể oải, mệt mỏi, tiểu nhiều, khát nước,…

Dấu hiệu nhận biết sớm tình trạng tăng đường huyết do stress:
  • Cơ thể mệt mỏi, uể oải
  • Đi tiểu nhiều lần (dù không uống nhiều nước)
  • Khát nước liên tục
  • Mờ mắt, thị giác giảm
  • Đau bụng
  • Ăn uống kém hoặc ăn uống quá mức
  • Buồn nôn
  • Chảy máu kéo dài do chậm đông máu
Nếu có máy đo đường huyết tại nhà, bạn có thể sử dụng để đo lượng đường trong máu.

Giải tỏa stress kịp thời

Tăng đường huyết là phản ứng của cơ thể khi đối mặt với stress. Tình trạng này sẽ không dẫn đến bệnh tiểu đường nếu được kiểm soát kịp thời. Ngược lại, tâm lý chủ quan có thể gia tăng nguy cơ bị tiểu đường type 2 và hàng loạt các bệnh mãn tính khác.
Như đã đề cập, bệnh nhân tiểu đường rất dễ bị stress. Tuy nhiên, stress lại khiến cho đường huyết tăng cao và làm nghiêm trọng các ảnh hưởng của bệnh đối với cuộc sống, sức khỏe. Để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này, bệnh nhân tiểu đường cũng cần trang bị các biện pháp giảm stress và kiểm soát đường huyết hiệu quả.

Trước tiên, bạn cần giải tỏa stress để tránh tăng đường huyết kéo dài. Khi đối mặt với căng thẳng, não bộ sẽ truyền tín hiệu đến khắp các tế bào thần kinh trong cơ thể tạo ra một loạt những thay đổi sinh học. Vì vậy, cần phải chế ngự căng thẳng thần kinh trong thời gian sớm nhất để phòng ngừa các vấn đề sức khỏe.

Điều quan trọng nhất giúp bạn giải tỏa stress (căng thẳng) là thay đổi nhận thức. Đừng quá chú ý đến những mặt tiêu cực, thay vào đó nên nhìn theo hướng tích cực để giữ tinh thần luôn lạc quan và vui vẻ. Chúng ta không thể tránh khỏi những khó khăn trong cuộc sống nhưng có thể lựa chọn thái độ khi đối mặt. Khi giữ cho mình suy nghĩ tích cực, bạn sẽ biết cách chế ngự stress và những cảm xúc tiêu cực. Thực hành thiền mỗi ngày có thể giúp chúng ta cân bằng thân tâm và giải toả stress.

Với những bệnh nhân tiểu đường, tinh thần có vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bên cạnh chế độ dinh dưỡng và các phương pháp điều trị. Mặc dù những ảnh hưởng của bệnh khiến bạn gặp nhiều phiền toái nhưng thay vì căng thẳng, hãy giữ cho bản thân thái độ lạc quan. Tinh thần vui vẻ và thoải mái sẽ giúp cho đường huyết ổn định và mang lại kết quả điều trị khả quan nhất.

Ngoài ra, việc giảm lượng đường trong chế độ dinh dưỡng, sống lành mạnh, sinh hoạt điều độ đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp kiểm soát tình trạng tăng đường huyết do căng thẳng thần kinh

(Theo suckhoehangngay.vn)