Quả báo dồn dập của anh chủ nhà hàng chuyên giết mổ tươi sống

Nhà hàng mở cửa, khách đến ăn đông nườm nượp. Tiền vào như nước. Ngày ngày, tôi lại quay cuồng trong những trò chém giết, mổ thịt, lột da… mua vui cho khách.

Cho đến năm 2004, quả báo dồn dập ập đến với tôi. Mở đầu là cái chết tức tưởi của ông ngoại vợ tôi:

“Hôm ấy, nghe tin ông ngoại lên cơn hen xuyễn, vợ chồng tôi về thăm, mang theo cạp lồng cháo nấu với món óc khỉ. Tôi tự tay đút cho ông. Ai dè, xúc đến thìa thứ 3, ông cụ bị nghẹn, mắt trợn ngược, mặt tím tái, nước mắt giàn giụa, người co cứng. Vài phút sau, ông chết trên tay tôi...".

Cả nhà vợ oán hận, vì tôi mà ông chết. Cơn hận chưa nguôi, ít lâu sau, nhờ mối quan hệ với các sếp của tỉnh, là khách hàng thường xuyên của nhà hàng, tôi có chắp nối cho ông cậu ruột bên nhà vợ là chủ thầu xây dựng, nhận một công trình lớn. Một lần, cậu tôi đến khảo sát, dàn giáo bất ngờ sập trong lúc công nhân đang đổ bê tông, chính ông bị khối bê tông đè trúng người, đầu vỡ toác...

Chưa hết, hơn 3 tháng sau, mẹ vợ tôi bị cảm sốt phải nhập viện. Chính tay tôi lái xe chở bà đến vì tôi quen thân khá nhiều các bác sĩ ở đây. Bệnh bà không nặng. Thế mà vừa vào viện buổi sáng, buổi chiều, bà bị sốc thuốc, lên cơn nhồi máu cơ tim, chết trên giường bệnh.

Đến tháng 10, cô ruột tôi bị tai biến mạch máu não, vào nằm viện. Mọi người trong gia đình thay phiên nhau trực tại bệnh viện. Chả hiểu sao, đến đúng phiên trực của tôi thì cô mất.

Ngẫm ra, cả bốn cái chết đều ít nhiều liên quan đến tôi. Từ đấy, cả hai bên gia đình nội ngoại đều tìm cách tránh xa tôi như tránh hủi. Họ bảo: “Thằng T. giết chóc thú rừng, súc vật nhiều quá nên sát khí nặng lắm. Gần nó, toi có ngày”.

Cũng từ đấy, không hiểu sao, nhà hàng thưa khách dần. Chuyện làm ăn ngày càng sa sút...

Tháng 02/2006, 3 đêm liền tôi nằm mơ thấy ác mộng. Tôi mơ thấy mình vác cuốc ra đồng đào huyệt. Huỳnh huỵch, mướt mải. Đào xong, nhìn xuống dưới huyệt, tôi tá hỏa thấy em trai tôi nằm dưới đó, máu me be bét. Tỉnh dậy, mồ hôi ướt đầm, tôi hoảng sợ báo cho mẹ tôi biết và nhắc nhở chú em đi lại giữ gìn cẩn thận. 6 ngày sau giấc mộng kinh hoàng ấy. Mẹ tôi gào khóc trong điện thoại:

- Em con bị tai nạn chết rồi!

Tôi vội vã chạy ra hiện trường. Dưới gầm xe khách, em tôi nằm bẹp dí. Tôi ngất đi...

Ba ngày sau cái chết của chú em, tôi thỉnh mời một sư thầy ở Đà Nẵng đến nhà làm lễ. Thầy bảo:

- Gia đình anh đang vướng vào một nghiệp lớn. Yêu cầu mọi người phát tâm an chay trường để xin gỡ tội.

Tôi liền phát tâm ăn chay trong 49 ngày những mong gia đình thoát nạn, nhưng phát tâm ăn chay thì dễ mà thực hiện thì khó lắm sao... Ăn được vài ngày, tôi đã lên cơn thèm thịt rượu. Hễ hàng xóm sào xáo món gì, mùi thơm bốc sang là nước miếng tôi tứa ra, nuốt nước bọt ừng ực. Nhưng ngẫm nghĩ về những quả báo kinh hoàng dồn dập giáng xuống gia đình mình, tôi gắng quyết tâm.

Tôi lên chùa đốt nhang xin Phật, Bồ-Tát phù hộ cho tôi có thể ăn chay được đủ 49 ngày. Buổi sáng cầu nguyện, buổi chiều, tôi ra nghĩa địa thắp nhang cho chú em. Bất chợt, tôi nhìn thấy một cảnh tượng kinh hoàng: “Một đám thanh niên đang đè ngửa một cụ ông bị lột trần truồng. Dao bầu nhọn hoắt, sáng loáng đang kề cổ cụ chuẩn bị chọc tiết”.

Quá kinh hãi, tôi quăng xe chạy đến cứu cụ già. Nhưng khi đến nơi thì hóa ra đó là một con heo bị giết cúng giỗ. Tôi thất thần quay ra. Đi được một đoạn lại thấy cụ già đó... Biết là vong linh người mất, tôi sởn hết cả da gà, tóc dựng ngược.

Cụ già kể: “Ngày xưa, do giết mổ heo nhiều quá nên khi mất, phải trả nghiệp bằng cách hàng năm đều phải biến thành heo để bị con cháu giết mổ cho chính ngày giỗ mình”.

Ông cụ nhờ tôi đến nói với con cháu đừng giết mổ heo nữa kẻo nghiệp chồng chất nghiệp, nặng lắm...

Kể từ hôm ấy, nhìn con vật nào tôi cũng thấy là người. Tôi đoạn tuyệt với thịt, cá, rượu bia, phát tâm ăn chay trường từ đó.

Cũng kể từ hôm ấy, thân thể tôi xuất hiện nhiều căn bệnh lạ. Đầu đau như búa bổ. Các bó cơ ở vai, lưng, cổ nổi u cục, cứng ngắc như đá. Người lúc nào cũng vã mồ hôi, da thịt nổi những mẩn đỏ hình con vật, ngứa sôi ngứa sục, gãi cào toạc cả da, chảy cả máu. Đêm tôi không tài nào ngủ được, cứ nhắm mặt là lại nhìn thấy cảnh chết chóc, máu me…

Tôi hiểu, nghiệp ác bao năm tôi reo rắc, bây giờ mới trổ. Đã là báo ứng nhân quả thì không nên sợ hãi, buồn rầu, khóc lóc, chỉ cần bình thản đối diện, tin sâu Phật pháp, chí tâm tu hành, nhất định sẽ chuyển xoay ác cảnh thành thiện cảnh.
Tôi tin: Những gì chúng ta tạo tác hành động, từng cử chỉ, từng niệm khởi, theo sau đều có quả báo.

Tôi bắt đầu tỉnh ngộ ra rằng:

“Tất cả mọi nỗi thống khổ của con người chẳng phải do ông Trời làm ra mà chính là do những tư tưởng xấu, hành động ác do chính con người đã tạo trong đời này hay đời trước. Muốn cải đổi vận mệnh chỉ có một con đường duy nhất là năng làm việc lành, tích chứa âm đức mà thôi”.

Tôi luôn luôn sám hối trong tâm, có lúc sám hối cho đến khi chịu không nổi khóc rống lên...

Ngày 19/02/2006, tôi lên chùa Linh Ứng Non Nước, Đà Nẵng quỳ, xin phát nguyện ăn chay trường và quy y tam bảo. Tôi thường ra chợ mua động vật để phóng sinh. Hằng ngày, gặp những cơ hội phóng sinh, tôi đều thực hiện cho kỳ được. Tôi cũng dùng hết khả năng tài vật của mình để giúp đỡ người bệnh tật, nghèo đói. Và thật kỳ lạ, các bệnh quái đản của tôi khỏi lúc nào không hay. Từ đó, niềm tin của tôi vào nhân quả báo ứng càng thêm kiên cố.

Tôi giác ngộ sâu sắc rằng: “Cái đích rốt ráo của đời người, chẳng phải là rừng tiền biển bạc, biệt thự xe sang, danh cao chức trọng. Siêng năng làm thiện, tích chứa âm đức, không sát sinh, làm lợi cho người. Cửu huyền thất tổ nhờ đó mà được rạng rỡ thì ta sẽ không thấy hổ thẹn một đời. Còn nếu có duyên hơn nữa, đắc được Phật Pháp thì sẽ tìm thấy con đường thoát khổ siêu sinh”.

Kể lại chi tiết câu chuyện đời mình, tôi hy vọng quý bạn đọc sẽ lấy đó làm gương, đừng đi theo vết xe đổ như tôi. Thú thực, nếu không đích thân trải qua những trải nghiệm đau đớn khắc cốt ghi tâm này, tôi cũng khó mà tin vào thuyết báo ứng nhân quả, về tội nghiệp sát sinh. Đúng là nhân quả báo ứng rất rõ ràng, như bóng tùy theo hình, không mảy may sai lệch.


(Trích ‘Những câu chuyện có thật về nhân quả & Phật pháp nhiệm màu’ - Hoàng Anh Sướng)