Nước mắt có giúp người đã khuất bớt khổ?

Có một người đàn ông góa vợ, ông không tái hôn mà ở vậy nuôi cô con gái nhỏ. Tất cả tình yêu thương của mình ông đều dồn hết cho con. Con gái chính là tất cả cuộc sống của ông.

Bỗng dưng, một ngày kia cô bé bị mắc bệnh hiểm nghèo. Ông đã đi khắp nơi, tìm tất cả những bác sĩ tốt nhất để chữa bệnh cho con. Nhưng tiếc thay những cố gắng bằng tất cả sức lực và tình yêu thương của ông không được đền đáp. Cô bé đã không qua khỏi.

Quá đau khổ và tuyệt vọng, người cha suy sụp, ông quay lưng lại với tất cả mọi người. Ông chẳng thiết tha gì với cuộc sống nữa. Ông trở thành kẻ ẩn dật, tự nhốt mình trong phòng khóc - cười rồi ngập chìm trong những cơn say. Ông xa lánh mọi bạn bè, người thân, khước từ mọi sự sẻ chia, động viên từ họ. Cho đến một hôm, trong lúc thiếp đi vì mệt mỏi, ông mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ.

Trong giấc mơ, ông thấy mình ở trên Thiên đường và được tận mắt chứng kiến cuộc hội ngộ của các thiên thần nhỏ. Mỗi thiên thần nhỏ trong bộ cánh trắng đều cầm trên tay một ngọn nến đang cháy, họ cứ xếp thành hàng dài tưởng chừng như vô tận. Ông chú ý vào một thiên thần nhỏ vì ngọn nến trên tay cô bé không cháy. Và ông kinh ngạc khi nhận ra đó là đứa con gái nhỏ của mình.

Vội vã đi về phía con gái trong khi đám rước vấn tiếp tục đi tới, ông ôm chầm con gái vào lòng và hỏi: “Con gái yêu, tại sao ngọn nến của con lại không sáng?”. Cô bé liền đáp: “Con đã cố thắp nến nhưng không được cha à! Nó liên tục được châm lại lửa nhưng rồi lại bị nước mắt của cha dập tắt”. Đến đó thì người cha choàng tỉnh. Ông nhớ lại như in những gì đã xảy ra trong giấc mơ và ông hiểu mình cần phải làm gì. Từ đó, ông không còn là kẻ ẩn dật nữa. Ông lấy lại thăng bằng, sống vui vẻ hơn, ông nhiệt tình giúp đỡ những người xung quanh. Ông không muốn ánh lửa ngọn nến trên tay con gái mình, một thiên thần bé nhỏ trên Thiên đường, lại bị dập tắt vì nước mắt của ông nữa.

Khóc lóc là chuyện thường tình của thế gian, nhưng lại không tốt cho người đã khuất, đặc biệt là khi thần thức đang lìa khỏi xác. Vào phút lâm chung, con cháu khóc than, người thân níu kéo… đặc biệt là động chạm vào thân thể trong khoảng 12 giờ đầu tiên sẽ khiến người chết vô cùng đau khổ. Bởi lúc đó, thần thức chưa biết là mình đã chết và phải đối diện với nhiều cảnh giới hãi hùng đau đớn (hồn phách phân ly, oan gia trái chủ đòi nợ, nghiệp chướng hành hạ… ). Nếu người không hiểu đạo cứ khóc lóc ai bi sẽ khiến người chết gặp chướng ngại và có thể đọa vào cảnh ác đạo. Hơn nữa, việc khóc than cũng chẳng khiến người mất ra đi thanh thản, nhẹ nhàng hơn mà càng khiến họ thêm dính mắc, nuối tiếc những gì mình phải bỏ lại.

Tốt nhất, khi có người “ra đi”, người thân không nên khóc than bi lụy, mà hãy phát tâm hộ niệm cho người mất để khai thị, hướng dẫn thần thức vãng sinh về cõi Tịnh độ an lành. Các gia đình khi có người thân qua đời nếu biết sống an vui, đem tình yêu thương dành cho người thân của mình chia sẻ với mọi người xung quanh, hết lòng làm các thiện hạnh để hồi hướng công đức cho người đã khuất thì sẽ lợi lạc hơn rất nhiều!

Theo http://daibaothapmandalataythien.org