Nghi thức lễ Vu Lan và cúng cô hồn có gì khác nhau?

Rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm được gọi là ngày lễ Vu Lan (báo hiếu). Ngày này cũng thường được gọi là ngày lễ cúng cô hồn hay ngày xá tội vong nhân. Lễ Vu Lan và lễ cúng cô hồn tuy có chung nguồn gốc Phật giáo và nhằm mục đích rốt ráo là cầu nguyện cho chư hương linh được siêu thoát, song lại xuất phát từ những điển tích riêng biệt và thực hành theo các nghi thức khác nhau. Một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ và cửu huyền thất tổ nhiều đời nhiều kiếp, một đằng là để bố thí cho những vong hồn không ai thờ cúng. Một đằng là báo hiếu, một đằng là tu phúc. Do hai lễ đó trùng trong ngày rằm tháng 7 nên nhiều người lầm tưởng rằng hai lễ đó là một.

Ngày rằm tháng Bảy là ngày chư tăng tự tứ, cũng là ngày chư Phật, Bồ Tát mười phương hoan hỷ, chư thiên đều tán thán và chư thiện thần gia tâm hộ trì. Chư tăng đã tròn đủ ba tháng an cư kiết hạ, giới luật tinh nghiêm, tâm niệm thanh tịnh, tăng thêm tuổi đạo, công đức cao dày. Ngày này cũng là ngày trong ba đường ác - địa ngục, ngã quỷ, súc sinh - được dừng nghỉ hành hạ, để cho chúng sinh nào biết hồi tâm hướng thiện niệm Phật, hồi tâm giác tỉnh theo tiếng chuông u minh, theo lời chú nguyện của chư tăng thì liền đó chư Phật đến phóng quang tiếp độ, cứu thoát khỏi cảnh khổ.

Lễ Vu Lan

Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về lòng hiếu thảo của Tôn giả Mục Kiền Liên. Tôn giả Mục Kiền Liên là một đệ tử lớn của đức Phật, và được suy tôn là bậc thần thông đệ nhất. Sau khi chứng quả A la hán, Ngài dùng thiên nhãn quan sát khắp các cõi sống thì thấy mẹ mình đang bị nạn đói khát dày vò trong cõi sống quỷ đói. Tôn giả bèn cầm bát cơm xuống cõi quỷ đói đưa cho mẹ. Mẹ cầm lấy bát cơm đưa vào miệng, thì cơm hóa thành than hồng cháy đỏ không tài nào ăn được. Tôn giả Mục Kiền Liên không biết làm sao được, bèn trở về xin Phật ra tay cứu giúp. Đức Phật nói: "Mẹ ông bao nhiêu đời sống xan tham keo kiệt, nên phải chịu khổ báo là quỷ đói, một mình ông không thể cứu nổi mẹ đâu. Phải nhân ngày rằm tháng Bảy tổ chức cúng dường đức Phật và chúng Thánh Tăng mười phương nhờ vào sức mạnh chú nguyện của đức Phật và chúng Tăng mười phương thì mẹ ông mới có thể siêu thoát được".

Tôn giả Mục Kiền Liên vâng lời đức Phật dạy, đến ngày rằm tháng Bảy là ngày tự tứ ra hạ của chư Tăng, đem thức ăn, đèn, sáp, hương hoa... đặt vào chậu lớn, cúng dường trai Tăng. Bà mẹ của Tôn giả Mục Kiền Liên nương nhờ vào uy lực của Giới đức và phước đức của chư Tăng mười phương, và cũng nương nhờ vào công đức bố thí và lòng chí thành của Tôn giả Mục Kiền Liên, mà sớm thoát khỏi nỗi khổ của quỷ đói, nỗi khổ ví như nỗi khổ của người bị treo ngược, siêu thăng lên các cõi lành.

Nhân đó, đức Phật Thích Ca có lời dạy Tôn giả Mục Kiền Liên rằng: "Làm người đệ tử Phật có đức hiếu thuận, phải thường xuyên ghi lòng tạc dạ công ơn cha mẹ đời này cho đến cha mẹ bảy đời. Mỗi năm vào ngày rằm tháng Bảy, hãy nên làm lễ Vu Lan Bồn, cúng dường đức Phật và chúng Tăng, để báo ơn sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ, cầu cho cha mẹ sống lâu trăm tuổi và sau khi mạng chung được sinh vào các cõi lành".

Lễ cúng Cô hồn

Lễ cúng Cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa Tôn giả A Nan với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu).

Theo Kinh Cứu Bạt Diệm Khẩu Đà La Ni, lúc bấy giờ Đức Phật đang thuyết pháp tại tăng xá Ni-câu-luật-na trong thành Ca-tỳ-la-vệ, tôn giả A Nan ngồi nhập định ở chỗ thanh vắng. Trong đêm hôm đó, khoảng quá canh ba bỗng thấy một ngã quỷ tên Diệm Khẩu (còn gọi là Diệm Nhiên) xuất hiện, cổ họng nhỏ như cây kim, hình dáng khô gầy xấu xí, tóc xõa rối bời, móng vuốt sắc bén giơ ra rất đáng sợ, miệng phun lửa đỏ. Ngã quỷ đến trước Ngài A Nan và báo rằng còn 3 ngày nữa Ngài sẽ chết rồi đọa đường ngã quỷ. Tôn giả nghe như vây sinh tâm hoảng sợ, liền hỏi xem phải làm sao để thoát khỏi cảnh khổ ấy. Ngã quỷ bảo, nếu ngày mai tôn giả có thể bố thí cho vô số ngã quỷ cùng vô số các vị tiên nhân Bà la môn, mỗi người đều được thí cho một hộc lương thực…. cũng như vì ngã quỷ mà cúng dường Tam bảo thì bản thân Ngài sẽ được tăng tuổi thọ lại cũng giúp cho ngã quỷ này được thoát khỏi cảnh khổ và sinh lên cõi trời.

Tôn giả A Nan nhìn thấy ngã quỷ thân hình khô gầy xấu xí, miệng phun lửa đỏ, cổ họng nhỏ như cây kim… lại nói ra những lời đáng sợ như vậy thì hết sức kinh hoàng, vội vàng đứng dậy tìm đến Đức Phật, cầu xin Ngài chỉ dạy phương thức để không phải đọa cảnh ngã quỷ.

Đức Phật bảo A Nan: “Ông không nên quá lo lắng, ta có cách giúp ông có thể bố thí cho vô số ngạ quỷ cùng vô số các vị tiên nhân Bà la môn đều được đầy đủ món ăn thức uống”.

Kinh cũng dạy rằng: “Tất cả chúng sinh đều do nơi ăn uống mới sống được, nếu không ăn uống, thì thân thể ốm gầy, dẫu có thí tài, thí pháp cũng không đủ cho sinh mạng; nay nhân sự cực khổ của chúng sinh, mà khởi cái bi tâm, nên dùng chân ngôn vật thực, mà cúng thí cho Quỷ loại, khiến đặng dứt khổ được vui”.

Sau đó, Đức Phật truyền dạy chân ngôn Vô lượng uy đức tự tại quang minh thù thắng diệu lực (tức chú biến thực). Đức Phật dạy Ngài A Nan rằng, chân ngôn này có năng lực giúp người trì chân ngôn có thể bố thí cho vô số ngạ quỷ, vô số vị tiên nhân Bà la môn… đều được no đủ với các món ăn thức uống tùy theo nghiệp lực của họ; giúp họ bỏ thân ngã quỷ sinh lên cõi trời, đồng thời giúp người trì chân ngôn tăng được tuổi thọ…

Lễ cúng thí thực cô hồn thấm đẫm tinh thần từ bi của đạo Phật. Chính sức mạnh của câu chân ngôn cộng hưởng với năng lực tu hành đức độ của hành giả tác động vào thần thức của cô hồn sẽ giúp cô hồn, ngã quỷ tỉnh ngộ và siêu thoát.

Lễ cúng cô hồn có thể được thực hành công phu mỗi ngày, hoặc tổ chức trong ngày lễ Vu Lan rằm tháng Bảy. Những hành giả muốn đi trên con đường thánh thiện giải thoát của Đức Phật không gì khác hơn là phải nỗ lực phát huy trí tuệ, trưởng dưỡng tình yêu thương, phát triển đời sống giới đức, phạm hạnh. Vì chỉ có đức hạnh và trí tuệ mới tạo cho hành giả tự tại trong mọi tình huống, cứu độ vong linh, cô hồn, tạo phúc điền cho người tại thế nương nhờ.

(Nguồn: Ban Tôn giáo Chính phủ

http://btgcp.gov.vn)