Làm gì khi 'thất tình'?


Trong đời người, có lẽ ai cũng đã từng trải qua cảm giác ‘thất tình’ hay bị phụ bạc. Những người ta yêu thương bỗng một ngày không còn yêu thương mình nữa. Mới hôm nào còn ‘tay đan tay dìu nhau trên phố’, ‘lòng vui như hoa nắng’ vậy mà giờ đây ta một mình ngồi đây ôm kỷ niệm với cảm giác hụt hẫng, hoang mang, buồn chán và không còn hứng thú làm bất cứ điều gì. Nhiều người có thể vượt qua được cảm giác buồn chán cô đơn ấy và lấy lại sự cân bằng nội tâm sau một thời gian ngắn. Nhưng không phải ai cũng có đủ sức mạnh nội tâm như thế. Vậy thì chúng ta phải làm gì để giải thoát khỏi tình trạng này?

Trân trọng cảm xúc nhưng không đồng hoá

Con người là loài hữu tình nên sống vì tình và khổ cũng vì tình. Tình càng nhiều thì nỗi khổ của chúng ta càng lớn. Việc chúng ta đau khổ khi thất tình hay hôn nhân đổ vỡ là điều dễ hiểu.

Cảm xúc cho chúng ta thêm trải nghiệm, khiến cho cuộc sống này thêm nhiều màu sắc và giúp chúng ta hiểu bản thân mình hơn. Hãy trân trọng và ôm ấp những cảm xúc tự nhiên đó, cho dù là đau khổ và thất vọng. Tuy nhiên, chúng ta cần tỉnh táo đừng để cho dòng cảm xúc đó cuốn mình vào vòng xoáy của những xúc tình tiêu cực không lối thoát, từ đó dẫn đến những hành động và lời nói mất kiểm soát và khiến chúng ta phải trả giá đắt. Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy cảm xúc ấy, cũng như mọi điều trên thế gian này, dù mạnh mẽ đến mấy, có sinh khởi thì ắt có đoạn diệt, đến rồi sẽ ra đi. Đó chỉ là một cảm xúc hiện lên trong tâm mình và đó thực sự không phải là mình. Còn nếu chúng ta cứ tự đồng hoá mình với cảm xúc, cho rằng ‘tôi khổ quá’, ‘tôi cô đơn, bất hạnh quá’ thì chúng ta sẽ bị nó ‘nắm đầu’ lôi đi và trở thành nô lệ của cảm xúc. Vì vậy, bạn hãy thử ngồi yên và lặng nhìn những cơn sóng cảm xúc của mình xuất hiện rồi lại tan biến.

Các bậc thầy dạy rằng nếu thực hành quán chiếu như vậy, chúng ta có thể tạo ra một khoảng trống, một khe hở giữa bản thân mình và cảm xúc, và khi đó chúng ta sẽ không để sóng gió của các xúc tình cuốn trôi và vùi dập.

Mọi điều tồi tệ sẽ qua đi

Bạn có biết rằng phần lớn những đau khổ mà chúng ta trải nghiệm là do mình tự nhào nặn nên, bởi nó bắt nguồn từ những ngộ nhận và kỳ vọng sai lầm của chính mình.
Đức Phật từng dạy ‘ái biệt ly khổ’, tức là yêu thương mà phải chia lìa là một trong 8 nỗi khổ của nhân gian. Đó là một sự thật, một thực tế mà người đời thường lảng tránh hoặc vì vô minh mà chưa thấu tỏ. Cuộc sống có bản chất bất toàn và chúng ta cần học cách chấp nhận sự thật này để bình thản đón nhận khi nó xảy đến với mình.

Hơn nữa, những lúc bạn cảm thấy tuyệt vọng và chán chường, hãy nhớ rằng mọi thứ rồi sẽ qua đi. Đời sống vốn vô thường và nhiều bất chắc, nhưng cũng vì vô thường mà cảm xúc của chúng ta thay đổi, sinh diệt từng phút giây. Bởi vậy, mọi nỗi đau dù lớn đến mấy rồi sẽ nguôi ngoai, thời gian chữa lành mọi vết thương. Vậy nên hãy tin chắc rằng ‘rồi con tim sẽ vui trở lại’.

Khi một cánh cửa đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra

Mọi điều xảy ra trên thế gian này đều không ngoài 3 chữ ‘nhân duyên và quả’. Luật nhân quả luôn tuyệt đối công bằng và có đường đi riêng của nó mà phàm phu không thể thông tỏ được hết. Nếu chúng ta tin luật nhân quả hay còn gọi là quy luật về ‘nghiệp’ thì chúng ta sẽ sẵn sàng đón nhận nghịch cảnh hay bất như ý xảy đến với mình. Điều đó không có nghĩa rằng chúng ta trở nên bi luỵ, cam chịu số phận mà ngược lại, chúng ta chấp nhận những gì không thể thay đổi được để không uổng phí năng lượng, đồng thời tập trung vào những gì có thể thay đổi được, đó chính là bản thân mình.

Ai đi qua cuộc đời chúng ta đều có những mối nhân duyên tiền kiếp với mình. Bởi vậy nếu họ mang đến cho chúng ta niềm vui thì hãy trân trọng tri ân, còn nếu họ khiến ta đau khổ thì cũng đừng oán hận bởi biết đâu trong một kiếp sống nào đó hay một khoảng thời gian nào đó mình cũng từng gieo nhiều đau khổ cho họ. Hãy tha thứ cho họ và tự cởi trói cho chính mình, và điều quan trọng là chúng ta đừng cố chấp và níu giữ những gì không còn thuộc về mình. Đôi khi, chúng ta giống như con ong cứ liên tục lao đầu vào cửa kính mà không biết rằng có một lối thoát thênh thang ở ngay bên cạnh. Nếu biết mở lòng, chúng ta sẽ nhận ra rằng những cánh cửa cơ hội khác, tốt đẹp hơn đang chờ đón chúng ta. Và khi điều đó xảy ra, chúng ta sẽ thầm cảm ơn nghịch cảnh.



Hãy mở rộng tầm nhìn để thấy mình may mắn

Một trong những lý do khiến chúng ta bị nhấn chìm trong nỗi tuyệt vọng không thoát ra được là bởi chúng ta thường nghĩ về bản thân mình quá nhiều. Chính tâm vị kỷ và tham cầu hạnh phúc cá nhân đang trói buộc chúng ta. Ai đó từng nói rằng ‘Tôi đã khóc vì không có giầy mới để đi cho đến khi nhìn thấy người không còn đôi chân để mang giầy.’ Nếu chúng ta biết quan sát cuộc sống xung quanh mình, chúng ta sẽ nhận ra rằng nỗi buồn tình mà mình đang gặm nhấm chẳng là gì cả so với đau khổ của biết bao mảnh đời kém may mắn hơn chúng ta nhưng từng ngày vẫn đang nỗ lực vượt qua mọi thử thách để cải thiện cuộc sống mà không hề ca thán.

Vậy nên bạn hãy thử một ngày tạm quên đi nỗi buồn của mình, dấn thân tham gia một công việc thiện nguyện nào đó, như trợ giúp trẻ mồ côi, người già neo đơn, hay hiến máu nhân đạo nếu đủ sức khoẻ…, bạn sẽ thấy cuộc đời ý nghĩa hơn nhiều. Khi tầm nhìn của bạn đủ lớn thì những nỗi đau chia ly tình ái kia trở nên nhỏ bé, không đáng kể gì. Khi tâm bạn sáng thì bạn sẽ thu hút những nguồn năng lượng tích cực và hạnh phúc chân thật chắc chắn sẽ đến với bạn.



(Pháp Nhiên)