Hướng dẫn các bài tập thể dục phù hợp cho từng lứa tuổi


Vận động giúp cơ thể phòng ngừa hàng loạt các bệnh, bao gồm các bệnh tim mạch, tiểu đường tuýp hai, ung thư. Song, mỗi độ tuổi có một chế độ tập luyện riêng. Theo CNN, với trẻ em và thiếu niên, tập thể dục giúp xương chắc khỏe, kiểm soát cân nặng, tăng tự tin và cải thiện giấc ngủ. Mỗi ngày, trẻ em và thiếu niên nên dành ít nhất một giờ tập thể dục, thể thao. Trẻ nhỏ nên chơi các môn thể thao như bơi lội, đá bóng để phát triển đầy đủ kỹ năng. Đến tuổi thiếu niên, nếu có thể, trẻ nên tham gia các môn thể thao đồng đội. Nếu trẻ không hứng thú với thể thao đồng đội thì bơi lội hoặc điền kinh là những lựa chọn thay thế lý tưởng.
 
Giữa những năm tuổi 20 là thời điểm sức khỏe đạt trạng thái cao nhất, với tốc độ phản ứng nhanh nhất và chỉ số VO2 max cao nhất (tốc độ tối đa cơ thể bơm oxy đến các cơ). Sau thời điểm này, chỉ số VO2 max giảm 1% mỗi năm và tốc độ phản ứng cũng giảm dần. Tuy nhiên, nếu chăm chỉ luyện tập, bạn có thể làm chậm quá trình này, đồng thời giúp cơ bắp chắc khỏe và phòng ngừa loãng xương khi về già. Một số bài tập phù hợp với lứa tuổi 20 là chèo thuyền, bóng bầu dục, bootcamp. Nếu đã quen tập thể dục hàng ngày, bạn hãy tham khảo các chuyên gia để nâng cao chế độ tập luyện của mình.

Người ở độ tuổi 30 thường bận rộn với công việc cũng như cuộc sống gia đình nên cần chú ý duy trì sức khỏe tim mạch và thể lực nhằm làm chậm quá trình suy giảm thể chất tự nhiên. Nếu tính chất công việc ít vận động, bạn hãy chắc rằng mình luôn ngồi làm việc đúng tư thế. Bạn cũng nên cho cơ thể vận động mỗi 30 phút bằng cách đặt máy in ở phòng khác, sử dụng nhà vệ sinh khác tầng để tận dụng việc di chuyển lên xuống cầu thang, hoặc đứng trả lời điện thoại thay vì ngồi. Người 30 tuổi có thể tập các bài HIIT (thể dục cường độ cao ngắt quãng). Phụ nữ sau sinh nên thử các bài tập kegel hướng tới nhóm cơ sàn chậu để tăng khả năng kiểm soát cơ thể. Lưu ý đa dạng hóa các bài tập để không bị nhàm chán
 
Đa số mọi người bắt đầu tăng cân khi bước vào tuổi 40. Thời điểm này, bạn hãy thử các bài tập tạ và chạy bộ thường xuyên để giảm lượng mỡ tích tụ đồng thời tăng khối lượng cơ bắp. Các bài tập Pilates cũng giúp bạn có thể lực tốt, tránh đau lưng.

Từ tuổi 50, cơ thể bắt đầu có dấu hiệu đau nhức cơ thể và các bệnh mạn tính như tiểu đường loại 2, tim mạch. Phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch bởi lượng estrogen giảm. Người ở độ tuổi 50 nên tập các bài tập rèn thể lực hai lần một tuần để cơ bắp rắn chắc. Bên cạnh đó, đi bộ và thái cực quyền là những lựa chọn thú vị để vừa thư giãn vừa tăng cường sức khỏe.

Tuổi tác càng cao, các bệnh mạn tính càng nghiêm trọng, nguy cơ ung thư cũng tăng lên. Để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe, người 60 tuổi nên duy trì thói quen vận động bằng cách tập khiêu vũ, tập aerobic hoặc đi bộ nhanh.
 
Từ 70 tuổi trở đi, tập thể dục đẩy lùi các bệnh tuổi già và rất tốt cho chức năng nhận thức. Nếu mắc bệnh, bạn hãy cố gắng vận động nhẹ nhàng để cơ thể hồi phục nhanh nhất có thể. Người 70 tuổi nên ra ngoài, đi bộ và giao lưu với mọi người. Thói quen này giữ bạn luôn vui vẻ, lạc quan và tốt hơn các bài tập tại chỗ. Ngoài ra, hãy kết hợp các bài tập thể lực, thăng bằng, và tim mạch. Lưu ý tham khảo lời khuyên từ chuyên gia vật lý trị liệu hoặc chuyên gia sức khỏe nếu mắc các bệnh mạn tính.

Theo Lê Hằng
vnexpress