Hoa hướng dương nở phía mặt trời

Muốn “điều trị” bệnh khổ đau - cũng là một thứ “nghiệp chướng”, chúng ta cần nhận diện và hiểu rõ về bản chất của khổ đau hay nghiệp chướng thực sự là gì, kế đến cần tìm ra phương thuốc tốt để hóa giải…

 

Khi khổ đau xảy đến

Một cách hiểu đơn giản, nếu trong đời sống bạn đang rất nghèo khổ, hoặc người thân, bạn bè, hàng xóm nhà bạn bỗng nhiên bị tai nạn, mất việc, bị vu oan hoặc con cái ốm đau tật bệnh…, thì đó chính là những biểu hiện nghiệp chướng. Tóm lại, nghiệp chướng ngụ ý nói đến một ai đó đang phải hứng chịu, trải nghiệm những chuyện buồn. Có nhiều cách lý giải khác nhau về căn nguyên của khổ đau khi nó xảy đến. Có thể do “nhân - quả”, nghĩa là gieo nhân nào gặt quả đó, tương tự nếu bạn làm điều tốt thì được khen thưởng, làm xấu phải chịu phạt. Nhìn sâu xa hơn theo thuyết nhà Phật, khi ai đó gặp phải chuyện buồn, xui xẻo thì rất có thể trong quá khứ (đời này hoặc tiền kiếp) đã hành động thiếu thiện lành dẫn đến báo ứng.

Cuộc sống hiện tại vốn thiếu sự công bằng, có những người sống rất tốt với con người nhưng lại thiếu tốt với động vật, có người tốt với động vật thì lại không tốt với con người, có người tốt với cây cối thì thiếu tốt với nguồn nước sạch. Vì thiếu sự cân bằng nên rất nhiều khổ đau xảy đến. Bậc bảo hộ vùng Himalaya và cũng là “cha đẻ” của phong trào thiện hạnh toàn cầu “Sống để yêu thương” - Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa (Ấn Độ) từng phân tích nhiều về nguyên nhân của khổ đau. Theo Ngài, một số người quả thực đã không thể vượt qua mà không nhận thấy rằng, đến lượt họ lại gieo khổ đau cho những người thân. Tại sao chúng ta lại phải chịu đựng những khổ đau đó? Tại sao chúng ta không cố gắng để cứu bản thân khỏi sự đắm chìm trong đau khổ, đồng thời cũng tránh cho người thân của mình phải chịu hậu quả của những chướng nghiệp đó? Để làm được điều này, chỉ có một cách duy nhất hữu hiệu là bản thân chúng ta phải nỗ lực. Nếu chẳng may gặp hoạn nạn khổ đau, chúng ta hãy bình tĩnh để tìm cách tự mình đứng lên, vượt qua cú sốc. Câu chuyện về 2 mẹ con người khuyết tật sống ở ngoại ô Hà Nội và cách họ vượt lên nghịch cảnh tìm được con đường đi và hạnh phúc cho riêng mình là ví dụ hiển nhiên về nỗ lực “tự giải thoát” mình ra khỏi nghiệp chướng:

1. LTN.1.JPG

2.LTN.JPG

Cô gái khuyết tật Lê Thị Ngân với công việc may, thêu thủ công

Mong con có thể bước đi

Gần 30 năm trước, cô gái khuyết tật Lê Thị Ngân Ngân (xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, Hà Nội) sinh ra trong một gia đình có cha mẹ đều là những người nông dân hiền lành chất phác. Vì là đứa con đầu lòng nên khi còn trong bụng mẹ, Ngân là niềm mong đợi lớn nhất của gia đình, nhưng không hiểu vì “lỗi” gì, Ngân lại có đôi chân dị dạng ngay khi mới lọt lòng khiến cả nhà lo sợ, nhất là người mẹ cứ tủi thân khóc suốt. Ngày ấy, mẹ Ngân bà Khổng Thị Hạnh đã than trách ông Trời và số phận rằng, không biết trong quá khứ bà đã gây tạo tội chướng nặng nề gì mà nay phải gánh chịu nghiệp báo sinh con thiếu lành lặn.

Buồn tủi phận mình bao nhiêu người mẹ lại dành nhiều tình thương yêu để chăm sóc cho con bấy nhiêu. Hai 2 năm đầu, bé Ngân hầu như chỉ nằm ngửa, không biết lẫy, biết bò và càng không thể tập đứng, tập đi như mọi đứa trẻ khác. Bà Hạnh đưa con đi chữa trị khắp các bệnh viện, trong nhà chỉ có mỗi chiếc vô tuyến đen trắng và đôi lợn nái cũng đã phải bán hết để lấy tiền mua thuốc. Như kết luận của bác sĩ, Ngân bị chứng teo cơ bẩm sinh và bị liệt một bên chân trái. Bà Hạnh dùng tre nẹp 2 ống chân, rồi hằng đêm ngồi xoa bóp, trị liệu, chỉ mong sao cơ xương chân con mềm ra. Người mẹ bất hạnh cắn răng chịu mọi vất vả hy sinh, chỉ có một ước ao làm sao chăm sóc con tốt hơn,bù đắp cho Ngân những thiệt thòi mà định nghiệp đã tước đi ngay từ bé. Bà Hạnh ước, nếu chân con có thể cử động được sẽ mua thưởng cho nó cái bánh rán đường giá 1000 đồng.

5. ME NGAN.JPG

6.ME NGAN.JPG

Mẹ Ngân, bà Khổng Thị Hạnh vất vả sớm tối lo mưu sinh

Từ dạo sinh con, bà Hạnh hầu như chẳng bao giờ cười. Năm Ngân 2 tuổi bất ngờ đôi chân của em co duỗi được chút ít khiến cả nhà mừng vui, còn bà Hạnh thì cười trong nước mắt. Tuy nhiên mọi nỗ lực của người mẹ cũng chỉ được bù đắp có bấy nhiêu thôi vì cô bé Ngân vẫn không thể tự đi, tự chạy trên đôi chân của mình, dù vậy, người mẹ không chút nản lòng vẫn kiên trì chăm sóc cho con. Bà Hạnh thường cõng hoặc chở con bằng chiếc xe đạp cũ đến lớp mẫu giáo. Năm lên 8 tuổi Ngân mới bắt đầu học lớp 1 cùng với em trai, mẹ và em thay nhau cõng cô bé đến trường. Ngân học hết lớp 9, sau đó vào sinh hoạt tại Hội người khuyết tật huyện Ba Vì.

Một tôi khác…

Năm 2003, Ngân và 20 thành viên khác của Hội được học một lớp về kỹ năng nhiếp ảnh ngay tại trung tâm. Ngân thích lắm nhưng việc theo học thì khổ sở vô cùng khiến cô nhiều lần bật khóc vì không thể điều khiển chiếc máy ảnh, vì những bức ảnh đầu tiên bị thầy chê không đạt và thiếu cảm xúc, vì cả lời tiếng chế nhạo của người đời “đi không vững còn bày đặt chụp ảnh nỗi gì?”… Nhờ lòng kiên trì và quyết tâm gạt bỏ sự tự ti, nhất là bên Ngân luôn có mẹ tình nguyện làm “người mẫu” cho các khuôn hình, dần dần cô đã thuần thục cách bấm máy, biết chọn góc nét và nắm bắt được thần thái của nhân vật trong từng bức ảnh. Mỗi ngày trên chiếc xe lăn, Ngân dành khoảng 2 tiếng rong ruổi khắp đường làng để ghi lại những khoảnh khắc cuộc sống. Chiếc máy ảnh du lịch là tiền Ngân góp nhặt được từ công việc móc mũ len, may vá quần áo và tiền bán rau của mẹ.

Ban đầu, Ngân gửi ảnh tham dự các cuộc thi dành cho người khuyết tật như Photovoice Hà Nội (2013), Một tôi khác (2014) cũng đều nhận được sự khen ngợi. Tại mỗi cuộc trưng bày, Ngân say mê ngắm tác phẩm ảnh của các “nghệ sĩ khuyết tật” - những khuôn hình có thể chưa thật chuyên nghiệp nhưng rất nhân văn, có tính nghệ thuật và giàu biểu cảm nội tâm. Ngân rất ngưỡng mộ những người bạn chụp ảnh đến từ Bình Dương, dẫu đôi mắt không nhìn được nhưng các bức ảnh họ chụp như thấy rõ cả vũ trụ rạng ngời ánh sáng, đó cũng chính là niềm khích lệ đặc biệt để Ngân vững tin vui sống và tạo ra những tác phẩm nhiếp ảnh đẹp đoạt giải cao ở một vài cuộc thi gần đây tại Hà Nội, là món quà cô dành tặng mẹ. Từ sau những cuộc thi nhiếp ảnh, Ngân được mọi người biết đến nhiều hơn với biệt danh “nhiếp ảnh gia trên xe lăn”. Nhưng có một điều không phải ai cũng biết, để giữ được thăng bằng cơ thể, nâng máy ảnh và chớp lấy những khuôn hình đẹp chân thực về mẹ, về cuộc sống làng quê bình dị, cả 2 mẹ con đã mất nhiều sức lực và nước mắt.

7.Ngan va me xuc dong nhan giai thuong nhiep anh.JPG

Ngân và mẹ xúc động tại lễ nhận giải

Cô gái chia sẻ: “Tôi nghĩ, sự ra đời của mỗi người dù lành lặn hay khiếm khuyết đều là quà tặng từ tạo hóa nhưng cuộc sống của ta có giá trị ra sao, phải phụ thuộc vào chính bản thân và thái độ tích cực của mình. Hãy giống như hoa hướng luôn nở phía mặt trời, bất kể bão tố cuộc đời có tác động đến mình thế nào đi nữa…mưa bão…”.

 

 MAI AN