Đừng hưởng hết phước báu của mình!

Phàm những ai gặp nhiều may mắn, từ bé sống trong nhung lụa chỉ lo hưởng thụ, không biết tạo phước, tích phước thì dễ đoản thọ, hoặc cuối đời phải chịu cảnh khổ đau.

Hãy giữ gìn phước báu

Dân gian có câu: “Phước bất tận thâu, Lộc bất tận hưởng”. Tạm hiểu là: “Khi được phước, được lộc đừng bao giờ hưởng hết một mình, mà nên san sẻ”. San sẻ bằng cách nào? Có nhiều cách, như bố thí, cho đi, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, phóng sinh, cúng dường tạo phước, làm việc hiếu thiện, việc đạo thì mới bền. Nếu bạn có điều kiện, hãy nhớ chăm làm phước, chớ ích kỷ hại nhân lợi mình. 

Tích phước và tiết kiệm Phước

Theo đạo Phật, muốn được hưởng phước báu dài lâu thì tài sản ta kiếm được phải bằng con đường chân chính, lương thiện.

Vậy muốn được phước báu chúng ta phải làm gì? Phải tích phước và (tiết) kiệm phước!

Phàm những ai giàu sớm mà không biết tu nhân tích đức, tạo phước, thì thường đoản thọ, hoặc cuối đời phải chịu nhiều cảnh khổ. Cũng giống như người có tiền đem ra tiêu sài hết không chịu tiết kiệm thì sẽ có lúc trắng tay.

Đạo Phật gọi là tự đánh mất phước báu của mình! Có người sinh ra trong nhung lụa, có người cả đời sống trong khốn khó. Con người phàm không chọn được hoàn cảnh mình sinh ra! Sướng hay khổ, sang hay hèn…, tất cả đều do có được hưởng hay không được hưởng phước báu mà thôi! Phước báu hay quả báo cũng chính là sự vận hành của nhân quả mà thôi.

Phước báu có tuần hoàn, có tăng trưởng và có hoại diệt! Vậy làm thế nào để có được phước báu và phước báu được tăng trưởng?
Nuôi dưỡng hạt giống lành, thực hành thiện hạnh giúp tăng trưởng phước báu.

Tích phước hành thiện

Theo đạo Phật, muốn được hưởng phước báu dài lâu thì tài sản ta kiếm được phải bằng con đường chân chính, lương thiện và nên chia làm 4 phần sử dụng vào các việc sau đây:

1. Một phần để sử dụng cho việc kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày.

2. Một phần để dự phòng khi đau ốm hoặc có việc đột xuất.

3. Một phần để giúp đỡ bà con quyến thuộc còn nghèo khó.

4. Và một phần để làm từ thiện, công đức, cúng dường.
Hãy tạo cho mình nghiệp lành (ý nghĩ lành, miệng nói lành, thân làm việc lành) cũng tạo ra phước báu.

Như vậy, có tới 2 phần là để làm từ thiện, để cho đi! Điều có vẻ “ngược đời” là muốn giữ được phước báu, thì lại phải cho đi thật nhiều!

Nghèo... nhưng vẫn có thể thực hành cho đi

Vậy người nghèo không có tiền để bố thí thì làm sao tạo được phước báu? Vẫn được chứ! Trước hết hãy tạo cho mình nghiệp lành (ý nghĩ lành, miệng nói lành, thân làm việc lành) cũng tạo ra phước báu. Người đem tiền hoặc quần áo cho người nghèo, giáo lý nhà Phật gọi việc bố thí bằng tiền của là tài thí. Có ít thì mình cho ít, quan trọng là thiện tâm và sự chân thành trong việc làm.

Người không có tiền cũng bố thí được, đó là bố thí bằng lời nói hoặc bằng hành động giúp đỡ. Ví dụ, người đang gặp chuyện gia đình buồn khổ, ta dùng giáo lý nhà Phật giảng giải, khuyên nhủ họ nương tựa Tam Bảo, tránh ác làm lành, tịnh hoá nghiệp chướng cho bớt khổ, đó là pháp thí. Lại có cụ già, trẻ nhỏ đứng lo lắng bất an không dám sang đường đông xe cộ qua lại, ta đến dắt tay họ dẫn sang đường được an toàn, đó là vô úy thí, nghĩa là mang đến sự che chở, an toàn cho người khác.

(Tạp chí Nghiên cứu Phật học)