Dành cho những người nhút nhát và ngượng ngùng

Rụt rè và nhút nhát là dấu hiệu của bản tính dịu dàng, nhạy cảm. Có lẽ bạn đã nghe nói tới đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt, một trong những phụ nữ đáng kính nhất trong lịch sử nước Mỹ. Bà từng viết: “Nhìn lại, tôi thấy khi còn trẻ mình rụt rè và nhút nhát đến dị thường như thế nào. Chừng nào tôi còn rụt rè, nhút nhát, chừng đó tôi chỉ hoạt động với một nửa khả năng của mình.”

Nhờ kỷ luật bản thân, phu nhân Roosevelt đã khắc phục được vấn đề của mình. Giống như hầu hết những người nhút nhát khác, bà cứ tự đầu độc mình bằng nỗi lo lắng về bản thân, vì thế bà đã nghiêm khắc buộc mình phải phá bỏ sự trói buộc ấy. Bằng cách không ngừng thử thách bản thân, phu nhân Roosevelt dần dần có được sự tự tin. Bà đã áp dụng những biện pháp cụ thể nào? Những biện pháp tương tự cũng sẽ giúp ích được bạn hôm nay.

Bà thôi không lo lắng về việc tạo ấn tượng tốt nữa, thôi ám ảnh người khác nghĩ gì về mình. Thay vào đó, bà bắt đầu quan tâm đến sự an vui của những người khác. Bà cũng hết lòng theo đuổi những sở thích của mình. Khi làm như vậy, bà học được rằng mọi người không chú ý nhiều tới việc bạn đang làm gì và chính sự chú ý mà tự chúng ta vơ vào mình mới đích thực là kẻ thù lớn nhất. Nhận ra điều này, sự ngại ngùng trong bà dần dần giảm bớt.

Bà nuôi dưỡng cảm giác phiêu lưu và khát khao trải nghiệm cuộc sống. Bà luôn hào hứng khám phá những điều thú vị cuộc sống mang lại.

Điều quan trọng là hãy cất được bước đầu tiên đó. Dũng cảm vượt qua một nỗi sợ nhỏ sẽ mang tới cho bạn dũng khí bước bước tiếp theo.

Hãy đặt ra các mục tiêu. Dù lớn hay nhỏ, hãy hành động để nhận ra chúng. Hãy nghiêm túc và cam kết với những mục tiêu của mình, bạn sẽ chẳng đi đến đâu nếu đối xử với những mục tiêu đó một cách hời hợt. Một tinh thần mãnh liệt, đầy nhiệt huyết tỏa sáng như kim cương và lay động trái tim con người. Đó là ngọn lửa rực rỡ cháy bên trong bạn, thúc đẩy bạn.

Chẳng có nghĩa lý gì khi được đánh giá qua vẻ bề ngoài. Nếu chúng ta chân thành, mọi người sẽ hiểu ý định của chúng ta và những phẩm chất tốt đẹp của chúng ta sẽ tỏa sáng.

Tất cả đều quy về hành động. Nếu mục tiêu của bạn là bơi ngang qua con sông lớn, sẽ chẳng thuận lợi chút nào nếu chùn chân trước khi quăng mình xuống. Thay vào đó, bạn cần hành động, không rời mắt khỏi mục tiêu phía xa của mình. Ngắm nghía ước chừng có thể có giá trị, nhưng tự cho là mình đã thất bại trước cả khi cố gắng thì lại là thất sách.

Thi hào Đức Goethe đã viết: “Một người có thể hiểu mình đến đâu? Không bao giờ nhờ vào suy ngẫm, chỉ thực thế nhờ vào hành động. Hãy cố gắng làm tròn nhiệm vụ, và bạn sẽ biết ngay điều đó có ý nghĩa thế nào với bạn”.

Nếu bạn không phải là người hay nói, bạn hãy trở thành người biết lắng nghe. Bạn có thể nói với những bạn khác: “Hãy nói với tôi về bạn đi. Tôi muốn nghe về bạn.” Nếu bạn cứ cố gắng biến mình thành người khác khi nói chuyện với bạn bè, thì cuộc nói chuyện sẽ chẳng khác gì tra tấn. Bạn chỉ thoải mái khi là chính bạn. Hãy để mọi người được biết con người thật của bạn, kể cả các khiếm khuyết.

Có những người nói liên tục nhưng chẳng đem lại điều ý nghĩa. Một người ít lời hẳn sẽ nói ra những điều sâu sắc và chắc chắn hơn nhiều những người nói chỉ để được nghe giọng của mình. Những người hành động nhanh nhẹn và hiệu quả thì đáng tin hơn rất nhiều so với những ai chỉ toàn nói.

Điều quan trọng hơn hẳn việc bạn là người trầm lặng hay nói nhiều là tâm hồn bạn có phong phú hay không. Một nụ cười đẹp hay một cử chỉ nhỏ, vô thức của một người có trái tim nồng hậu, thậm chí khi họ im lặng, sẽ nói hùng hồn hơn bất cứ ngôn từ nào. Và thường những người như vậy sẽ nói một cách đầy uy lực và tự tin vào những lúc quan trọng.


(Theo ‘Đức Phật trong ba lô’ - Daisaku Ikeda)