Con Chó Đi Kiện

Có một con chó đến toà án bấm chuông tố cáo, quan toà cảm thấy rất là ngạc nhiên, mới hỏi con chó:

“Con người không tránh khỏi sự oan ức bất bình mới đến tố cáo, anh là một con chó, cuộc sống rất đơn giản, đến đây tố cáo làm gì chứ?”

Con chó ấm ức mà nói: “Một ngày nọ bụng tôi rất đói, tôi bèn đến nhà ông Lý tìm cơm ăn. Tôi cũng y cứ quy củ của một con chó để xin cơm, ông ta không cho tôi cơm ăn thì cũng không sao, nhưng ông ấy lại ngang nhiên dùng gậy đánh tôi một trận. Ông ấy đã xâm phạm quyền làm chó của tôi, tôi muốn quan toà hãy phán tội của ông ta”.

Quan toà sau khi nghe xong không thể không cười, liền nói: “Các anh xin loài người cơm ăn mà còn nói đến quy củ nữa à”.

Con chó liền trả lời: “Chúng tôi đến trước nhà người ta xin cơm ăn, chỉ có hai chân trước là bước vào bên trong cửa, còn hai chân sau nhất định là đứng ngoài cửa, tôi không có làm sai quy định! Ông ta sao lại có thể đánh tôi? Bất luận là thế nào đi nữa tôi cũng phải bắt ông ta đền tội”.

Quan toà cảm thấy lời trình bày của con chó cũng có lý, liền nói: “Ông Lý đánh anh quả thật là không đúng, nhưng đây là lần đầu tiên mà tôi phán xét sự việc chó thưa kiện con người, vậy tôi phải xử phạt ông Lý như thế nào? Tôi muốn nghe thử ý kiến của anh”.

Con chó nghe nói, nhảy lên mừng vui mà nói: “Xin phạt ông ta đời sau làm một người giàu có”.

Quan toà rất ngạc nhiên mà nói: “Anh đã không xử phạt ông ta, mà còn quá nhẹ tay đối với ông ta”.


Quan toà ngồi đó lắng tai nghe con chó giải thích, trong lòng rất cảm thương, con chó nói: “Quan toà đại nhân ạ! Ông có thể không biết, đời trước tôi là một người gia đình rất giàu có, nhưng tôi lại không có lòng nhân từ, không bao giờ bố thí giúp đỡ người khác, giống như làm nô lệ cho của báu. Đời này tôi mới bị đọa làm súc sanh, sanh trong loài chó, mỗi ngày ăn thức ăn thừa của người ta, vậy mà còn bị người ta ăn hiếp. Cho nên, xin quan toà hãy xử ông Lý đời sau làm người giàu có, để cho ông ta bị tiền bạc che lấp trí tuệ mà tạo ác nghiệp, và cuối cùng ông ấy sẽ biết thế nào là cuộc sống của loài chó”.

(HT. Thích Tinh Vân)