Ba loại hạnh phúc: Bạn chọn loại nào?

Đức Phật từng miêu tả một số loại hạnh phúc, xếp chúng theo thứ tự từ cái tầm thường nhất cho đến cái cao thượng nhất… Bạn đang theo đuổi loại hạnh phúc nào?


Hạnh phúc của sự bám víu

Đức Phật xếp gần như tất cả những gì mà phần đông chúng ta gọi là hạnh phúc vào loại thấp nhất. Ngài gọi đó là ”hạnh phúc của dục lạc.” Chúng ta cũng có thể gọi nó là “hạnh phúc của những điều kiện dễ chịu” hay “hạnh phúc của sự bám víu.” Nó bao gồm tất cả những thứ hạnh phúc thế tục chóng vánh của dục lạc, như sự thỏa mãn thân xác hay tiền tài vật chất, sự hưởng thụ từ việc được nhìn ngắm cảnh sắc đẹp, thưởng thức âm nhạc, món ăn đồ ngon, những cuộc chuyện trò thú vị, những thú vui hội hoạ, đàn hát… và hạnh phúc của cuộc sống gia đình đầm ấm.

Chúng ta thử nhìn kỹ hơn về hạnh phúc của dục lạc. Trạng thái thấp kém nhất của nó là sự hoàn toàn đắm chìm trong ngũ dục. Hầu như ai trên đời này cũng khát khao tiền tài, sắc đẹp, muốn có danh tiếng, được hưởng thụ tiện nghi, ăn ngon, ngủ kỹ. Tham đắm ngũ dục mất kiểm soát có thể đưa đến sự trụy lạc, đồi bại và lệ thuộc. Đó không phải là hạnh phúc bền lâu, vì trạng thái khoái lạc nhanh chóng qua đi, và thường để lại cho ta cảm giác chán chường, hối tiếc hay ham muốn mạnh mẽ hơn, như người uống nước biển, càng uống càng khát.

Đức Phật dùng hình ảnh của một đứa bé yếu đuối bị trói buộc bởi những sợi dây mong manh ở năm điểm: hai cùm tay, hai cẳng chân, và cổ họng. Cũng giống như năm sợi dây này – ngũ dục có thể trói buộc một đứa bé nhưng không thể làm gì đối với người trưởng thành mạnh mẽ. Một người có chánh niệm tỉnh giác sẽ không bị dính mắc vào ngũ dục, và có thể sống một cuộc đời ý nghĩa và hạnh phúc.

Cũng có những hạnh phúc thế gian vượt trên các dục lạc tầm thường, như thú vui như gặp gỡ bạn bè, đọc sách, hội hoạ, nghe nhạc, làm thơ… có thể khiến con người phấn chấn tinh thần. Hay những niềm vui thế tục tốt đẹp như giúp đỡ người, chăm lo gia đình, nuôi dưỡng con cái, hay kiếm sống một cách lương thiện. Chúng ta cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện khi tận hưởng tài sản mình có được nhờ lao động chân chính. Tốt hơn nữa thứ hạnh phúc khi chia sẻ thành quả của mình với người khác.

Xét về khía cạnh đạo đức, phần đông chúng ta đều công nhận những điều này như là cốt lõi của một cuộc sống tốt đẹp. Vậy tại sao Đức Phật vẫn coi chúng như thuộc về loại hạnh phúc thấp kém?

Bởi vì chúng vẫn phụ thuộc vào những điều kiện lý tưởng. Mặc dầu không thoáng qua như những khoái lạc nhất thời của ngũ dục, và ít tổn hại nặng nề đến hạnh phúc dài lâu, chúng vẫn không bền vững. Chúng ta càng dựa vào chúng, càng chạy đuổi theo chúng, và cố gắng bám víu vào chúng thì chúng ta càng thêm khổ đau. Chạy theo niềm vui thế gian thông thường, không giúp chúng ta đạt được sự giải thoát mà chỉ vun bồi thêm những trói buộc khiến chúng ta mắc kẹt trong luân hồi - là một vòng tròn lặp đi lặp lại của sinh tử không hồi kết.

Hạnh phúc xả ly

Có những nguồn hạnh phúc cao cả hơn, vững bền hơn.

Một trong những nguồn hạnh phúc này là “hạnh phúc của sự xả ly,” một loại hạnh phúc tâm linh đến từ việc hướng đến một điều gì đó vượt lên trên những niềm vui thế tục.

Tâm rộng rãi là một hình thức xả ly mạnh mẽ. Chia sẻ một cách rộng rãi những gì ta có, và nhiều hình thức khác của xả ly, đem lại cho chúng ta hạnh phúc. Mỗi khi biết buông bỏ, ta cảm thấy nhẹ nhàng, dễ chịu.

Cao hơn sự buông bỏ vật chất là “hạnh phúc của việc buông bỏ các xúc tình phiền não”. Loại hạnh phúc này phát sinh một cách tự nhiên khi ta rèn tâm buông bỏ một cách nhanh chóng những sân hận, ham muốn, dính mắc, ghen tỵ, kiêu mạn, nghi hoặc và các tâm lý bực bội khác mỗi khi chúng phát sinh. Dập tắt ngay khi chúng vừa phát khởi giúp tâm không vướng mắc, đầy hỷ lạc, trong sáng. Tuy nhiên, nếu thiếu định lực và sự rèn luyện không có gì bảo đảm rằng các uế nhiễm này sẽ không xuất hiện trở lại và không quấy nhiễu tâm ta.

Tốt hơn nữa là những niềm vui và hạnh phúc vi tế trong các trạng thái thiền định sâu lắng. Trong những trạng thái này phiền não không thể phát sinh. Tuy những trạng thái định này có thể siêu việt và mạnh mẽ, chúng vẫn có một yếu điểm lớn: cuối cùng thì hành giả cũng phải xả thiền. Vì vạn pháp là vô thường, nên ngay chính các trạng thái thiền định sâu lắng cũng phải chấm dứt.

Hạnh phúc tối thượng

Hạnh phúc tối thượng là niềm hỷ lạc của sự giác ngộ giải thoát. Ở mỗi cấp độ giác ngộ, gánh nặng cuộc đời được giảm nhẹ đi, và chúng ta sẽ cảm nhận được sự an lạc tự tại. Giai đoạn cuối cùng của giác ngộ, sự giải thoát hoàn toàn khỏi tất cả các trạng thái tâm tiêu cực, mang đến cho ta nguồn hạnh phúc tối thượng, không gián đoạn. 

Đức Phật khuyên chúng ta phải tập buông bỏ những bám víu vào các loại hạnh phúc tầm thường và nỗ lực thực hành tâm xả ly, hướng đến hạnh phúc cao nhất, đó là sự giác ngộ, khi đó bạn sẽ nếm trải được hương vị của chân hạnh phúc.

Vậy bạn đang theo đuổi loại hạnh phúc nào?


(Thiền sư H. Gunaratana)