Bốn loại tính cách dưỡng thành gia đình có hậu phúc

Gia đình được xem là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng. Nhưng không phải ai cũng biết giữ gìn hạnh phúc của tổ ấm. Dưới đây là bốn loại tính cách của các thành viên có thể mang lại hậu phúc cho người thân của mình.

Nhẫn có thể dưỡng Phúc


Tục ngữ có câu: “Nhẫn một lúc trời yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao.” Có thể nhẫn sẽ bớt chuyện thị phi, bớt chuyện thị phi sẽ có phúc.

Trong Đạo Phật, nhẫn nhục là một trong 6 Ba La Mật, tức là một trong 6 pháp thực hành rốt ráo giúp chúng ta đạt được hạnh phúc chân thật.

Trong phạm vi nhỏ hơn, gia đình là nơi coi trọng tình cảm, không phải nơi tranh lý, bởi lẽ “tu 10 năm mới được chung thuyền, tu trăm năm mới nên duyên vợ chồng”. Hễ lý lẽ rạch ròi thì tình cảm cũng mất. Có thể chung sống với nhau suốt đời không phải là chuyện dễ dàng, phải biết trân quý tình cảm của nhau, thì ngày tháng mới trường cửu. Huống hồ gia đình là bến đỗ của hai người, cần khoan dung cho nhau, nhẫn nhịn nhau, đó mới là bí quyết cho một gia đình hoà hợp, bền lâu.

Thiện có thể dưỡng Đức

Phong thuỷ tốt nhất của một gia đình chính là sự thiện lương. Cho đi sự tử tế lương thiện chính là cách chúng ta gieo trồng hạnh phúc hiện tại và tương lai.

Một người nông dân nọ có một giống ngô rất tốt, thu hoạch hàng năm đều rất khá. Ông thường không tiếc những hạt giống này, mà khẳng khái tặng lại cho hàng xóm xung quanh. Người khác hỏi ông vì sao lại hào phóng như vậy? Ông đáp: “Ruộng của chúng tôi đều nằm kề nhau, nên khi thụ phấn sẽ bay sang thụ phấn cho nhau. Nếu chất lượng ngô của họ không tốt, cũng sẽ ảnh hưởng tới thu hoạch của tôi.” Chúng ta sống trong một thế giới mà mọi sự đều kết nối và nương tựa lẫn nhau, không có một pháp nào tách rời riêng biệt. Hạnh phúc của bạnh là hạnh phúc của tôi.

Người lương thiện chỉ phải chịu cái thiệt trước mắt, nhưng tương lai họ lại nhận được phúc báo sâu dày, thậm chí còn để đức lại cho con cháu.

Dưỡng dục con cái cũng giống như trồng cây vậy, rễ bền chặt cây lá mới tươi tốt, đạo đức lại là cái gốc của con người, người có đạo mới có tương lai.

Cần cù sinh phú quý

Người già thường nói: “Người chăm thì chẳng nghèo lâu, kẻ lười giàu chẳng mấy chốc”. “Cần cù bù thông minh”, số người thông minh tuyệt đỉnh bẩm sinh vô cùng ít ỏi, chỉ cần nỗ lực, không sợ bị người khác chê cười là ngốc nghếch, chậm chạp, mới có thể gặt hái thành công.

Ngày nay, trẻ nhỏ thường được cha mẹ cưng chiều quá mức như viên ngọc minh châu, để trong lòng bàn tay thì sợ vỡ, ngậm trong miệng lại sợ tan chảy mất. Dù giàu nghèo, sang hèn cha mẹ cũng không nỡ để con phải chịu khổ. Kết quả là khi lớn lên chúng trở thành những đứa trẻ lười nhác, ỷ lại, không buồn động chân, động tay mà chỉ thích “há miệng chờ sung”.

Chỉ có cần cù và nỗ lực mới có thể gây dựng nhân cách độc lập cho trẻ. Dạy cho trẻ đạo làm người và kỹ năng sống mới là món quà vô giá mà cha mẹ gửi gắm cho con.

Học hỏi tôi rèn khí chất

Những đạo lý sâu sắc của các bậc thánh nhân giúp chúng ta mở mang trí tuệ và hiểu rõ ý nghĩa cuộc sống, biết cách đối nhân xử thế. Chúng ta có thể học hỏi qua kinh sách, nhưng điều quan trọng là phải suy ngẫm và áp dụng vào cuộc sống của mình.

Đối với một gia đình, đọc sách, nghe Pháp là một thói quen rất tốt, có thể giúp con người thay đổi khí chất, mở rộng tầm nhìn, làm phong phú đời sống nội tâm. Dù vậy, kiến thức nếu chỉ để thể hiện uyên bác hơn người mà không đưa vào cuộc sống thì cũng vô ích. Chúng ta cần phải thực hành. Các bậc Thầy đã chỉ cho chúng ta con đường, chúng ta phải tự bước đi trên đôi chân của mình.