5 nguyên tắc phòng ngạt thở nơi đông người

Rời đi trước khi đám đông trở nên mất kiểm soát, cố gắng không ngã, bảo vệ ngực, tránh nơi có tường và rào cản… là những nguyên tắc tránh ngạt thở trong đám đông.

Trước thảm họa khiến khoảng 150 người thiệt mạng trong đám đông tại lễ hội Halloween ở Itaewon (Hàn Quốc), theo thạc sĩ, bác sĩ Lã Quý Hương, khoa Hô hấp Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, áp lực từ nhiều phía trong đám đông sẽ gây khó thở. Bởi lẽ phổi cần có không gian để giãn nở. Việc trang bị kiến thức bao gồm kỹ năng nhận biết nguy hiểm, bảo vệ phổi, cách xử trí sẽ giúp phòng tránh ngạt thở.
Dòng người cùng đổ vào con hẻm bên cạnh khách sạn Hamilton, phố Itaewon (Seoul, Hàn Quốc), trước khi thảm họa xảy ra vào đêm 29/10. Ảnh: Reuters

Nhận biết sớm dấu hiệu nguy hiểm

Cả đám đông hòa làm một sẽ gây khó thở. Do đó, khi bắt đầu có cảm giác bị chèn ép, khó chịu trong đám đông thì rất khó để thoát ra. Vì vậy, nhận biết dấu hiệu mất kiểm soát của đám đông từ sớm là nguyên tắc đầu tiên để tránh thảm họa giẫm đạp, gây ngạt thở.

Bác sĩ Hương khuyến cáo người dân khi ở nơi đông đúc phải luôn chú ý quan sát xung quanh xem có hiện tượng đám đông dày đặc bất thường bao quanh không. Một đám đông nguy hiểm là đám đông không có tổ chức, nhiều hơn 4-5 người/m², cảm thấy có những người khác ép vào mình. Lúc này, mỗi người hãy bình tĩnh phán đoán xem vùng trung tâm (tức là nơi đông đúc nhất ở đâu) để di chuyển về hướng thưa người hơn.

"Cần rời đi ngay khi tìm thấy lối thoát, không chần chừ nán lại, bởi khi cơ thể vẫn đủ không gian để di chuyển chính là thời điểm vàng để thoát khỏi đám đông. Mặt khác, chủ động tách khỏi đám đông cũng sẽ giảm bớt nguy hiểm cho những người khác", bác sĩ Hương nói.

Bảo vệ vùng ngực

Ngạt thở là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong trong các vụ chen lấn đám đông. Mật độ người dày đặc, đám đông ép chặt vào lồng ngực và bụng làm lồng ngực không mở ra được, cơ hoành không di động. Phổi không có đủ không gian để nở ra sẽ gây thiếu oxy, ngất xỉu, thậm chí tử vong. Nếu duy trì đủ không gian để thở, bạn sẽ có thêm thời gian sống sót trong khi chờ cứu hộ.

Do đó bác sĩ Hương khuyến cáo khi ở trong đám đông hoảng loạn, không nên la hét để tiết kiệm sức lực và hơi thở (trừ khi bắt buộc). Mỗi người giữ hai cánh tay trước ngực nhằm tạo ra một khoảng trống chừng 0,5-1 cm đủ để duy trì hơi thở. Tư thế này có thể gây khó chịu khi kẹt trong đám đông một khoảng thời gian dài nhưng ít nhất có thể giúp bạn tạm thời sống sót.

Di chuyển theo dòng chảy

Khi bị đẩy, phản ứng tự nhiên của con người là kháng cự lại. Tuy nhiên trong lòng đám đông, việc kháng cự sẽ làm lãng phí sức lực, tạo nên dòng xô đẩy hỗn loạn. Bạn nên di chuyển theo dòng chảy, vẫn cố gắng giữ thăng bằng.

Trường hợp xấu nhất có thể xảy ra khi có nhiều đợt sóng người một lúc tạo nên đám đông hỗn loạn, nguy hiểm vì khả năng va đập, giẫm đạp lên nhau rất cao. Lúc này, hãy cố gắng tránh vị trí giao thoa giữa 2 đợt sóng người để tránh áp lực từ 2 hướng.

Cố gắng không ngã

Trường hợp không thể rời đi, bạn cần cố gắng giữ thăng bằng, đứng thẳng để không bị ngã. Ở những đám đông chật cứng, một người ngã sẽ tạo ra hiệu ứng domino khiến những người khác lần lượt ngã theo, đè lên nhau, không thể đứng dậy được. Hiện tượng này đặc biệt nguy hiểm ở những địa điểm dốc và kín, do sức nặng dồn về một phía khiến nhiều người bị đè bẹp dẫn đến tử vong. Mỗi người hãy cố giữ cho bản thân không bị ngã. Đây cũng là cách bảo vệ những người xung quanh khỏi thảm họa ngã dây chuyền.

Tránh nơi có tường và rào cản

Thảm họa giẫm đạp tại Itaewon mới đây khiến hơn 150 người thiệt mạng xảy ra tại một con hẻm dốc và hai bên là tường bao dày đặc. Khảo sát ở một số vụ giẫm đạp khác cũng cho thấy phần lớn vụ thương tích và tử vong diễn ra dọc theo bờ tường, hàng rào hoặc chướng ngại vật rắn mà con người không thể bám vào để trèo lên. Bác sĩ Hương giải thích, nếu đi theo dòng người xô đẩy, bạn có thể vẫn an toàn; nhưng nếu đang ở cạnh một bức tường, đợt sóng người sẽ đè chúng ta vào tường, chèn ép gây ngạt thở. Do đó khi di chuyển trong đám đông cần tránh đứng gần tường, rào hoặc cột trụ.

Theo bác sĩ Hương, việc nhận biết mật độ đám đông để rời đi đúng lúc là yếu tố quan trọng để tránh thảm họa giẫm đạp. Mật độ dưới 3 người/m² là an toàn; mật độ từ 4-5 người/m² bắt đầu tiềm ẩn nguy hiểm; mật độ từ 6 người/m² trở lên có thể gây thương tích.

Để dễ hình dung, bác sĩ Hương hướng dẫn cách đơn giản để ước tính mật độ đám đông như:

Nếu không có va chạm cơ thể với người xung quanh: mật độ khoảng 3 người/m², bạn vẫn an toàn.

Nếu va chạm với một hoặc hai người xung quanh mà không cố ý: mật độ khoảng 4-5 người/m². Lúc này nguy hiểm chưa đến nhưng tốt nhất bạn nên di chuyển ra khỏi vùng trung tâm ùn tắc.

Nếu không thể tự do cử động cánh tay, khó chạm tay vào mặt: mật độ từ 6 người/m² trở lên, nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Lúc này cần giữ bình tĩnh và thực hiện các nguyên tắc chống ngạt thở, di chuyển như hướng dẫn.

(Theo vnexpress.net)