4 điều cần nhớ khi bạn đang bị ám ảnh bởi cảm giác tiêu cực về bản thân mình

Những suy nghĩ tiêu cực về cơ thể sẽ tiêu diệt chính bạn. Những suy nghĩ đó choán ngợp đầu óc bạn. Để vượt qua được, bạn cần phải tìm được chính bản thân mình. Bạn phải xây dựng chính mình từ những hiểu biết về bản thân. Bạn phải giúp bản thân thoát ra khỏi những giọng nói phá hoại trong bạn.

Sau đây là những điều tôi học được từ chính trải nghiệm của tôi.

1. Không phải mọi suy nghĩ đều là sự thật

Vấn đề với việc suy nghĩ tiêu cực về cơ thể là có vẻ như nó giống như một thực tế vậy. Bạn có thể dễ dàng thuyết phục bản thân tin vào một điều không đúng. Thậm chí lúc gầy nhất tôi chỉ nặng hơn 40kg, vậy mà tôi vẫn tin rằng tôi cần phải gầy hơn nữa.


Tôi cảm thấy rằng vòng eo của tôi chưa đủ mảnh, cánh tay tôi chưa đủ săn chắc, đùi tôi chưa đủ thon. Đầu óc tôi là một kẻ lừa bịp trắng trợn, và mọi người không thể làm gì để thuyết phục tôi dừng những suy nghĩ đó lại.

Nếu tôi không sớm ý thức được rằng tất cả những suy nghĩ ấy chỉ là lừa dối, và nếu tôi không học được cách nhận ra chúng, tôi sẽ không bao giờ có thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn.

Tôi đã phải trải qua khoảng thời gian khó khăn để phân biệt đâu là sự thật và dối trá từ đầu, vì thế thay vì băn khoăn không biết liệu những suy nghĩ của bạn là đúng hay sai, hãy tự hỏi bản thân rằng việc nào là tốt cho bạn và việc nào không tốt cho bạn.

Chị gái tôi là một vận động viên. Lớn lên cùng chị ấy, hầu hết những suy nghĩ tiêu cực của tôi đều về cơ thể mình. Khách quan mà nói, mặc dù tôi rất gầy, nhưng tôi vẫn chưa thực sự thon thả. Vì thế tôi đăng kí đi tập thể hình và bắt đầu nâng tạ.

Tuy nhiên, ý nghĩ tích cực ban đầu là việc luyện tập sẽ giúp tôi tăng cơ dần chuyển thành nỗi ám ảnh trong vòng vài tháng.

Tôi nhớ có lần đứng trong phòng tập gym, đẩy một thanh xà ngang nặng qua đầu và tôi nhận ra rằng tôi đang khóc. Tôi mặc cho nước mắt lăn tròn trên má, và tập trung vào việc nâng xà. Tôi phải kết thúc việc luyện tập. Tôi đã kiệt sức và đói vì tôi đã ép cơ thể mình luyện tập mỗi ngày, thế nhưng tất cả những gì tôi nghĩ về chỉ là cánh tay săn chắc và mình sẽ đẹp đẽ như thế nào trước bàn trang điểm.

Thực ra từ rất lâu rồi tôi đã nhận thấy rằng mong muốn có được một thân hình đẹp của tôi đã không phải vì tôi nữa. Tuy nhiên, tôi không thể ngừng luyện tập. Tôi phải đổ mồ hôi. Tôi phải cảm nhận được tim tôi đang đập nhanh. Cuộc sống của tôi xoay quanh lịch tập thể hình hàng ngày.


Tôi biết rằng tôi cần phải đấu tranh với suy nghĩ rằng cơ thể tôi chưa đủ đẹp; và từ đó tôi phải tự điều chỉnh cho phù hợp. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi dừng luyện tập luôn. Có những ngày tôi vẫn cảm thấy lo lắng khi tôi biết rằng tôi sẽ không thể đến phòng tập nữa. Nhưng bất cứ khi nào suy nghĩ rằng cơ thể tôi không đẹp hiện lên, tôi lại nhắc nhở bản thân mình rằng suy nghĩ ấy không tốt đẹp gì, tôi cố gắng hết sức để loại bỏ nó và tập trung vào điều gì đó tốt đẹp hơn. Tôi có thể không có một thân hình chuẩn, nhưng tôi ý thức được rằng ngoại hình không phải là điều quan trọng nhất.

2. Mong muốn kiểm soát được mọi thứ chỉ là một ảo giác

Vấn đề về rối loạn ăn uống hoàn toàn nằm ở việc kiểm soát. Đó là việc kiểm soát những gì bạn ăn vào và những gì bạn thải ra. Đó là kiểm soát ít nhất là một khía cạnh trong đời sống của bạn. Tuy nhiên, đó hoàn toàn là một ảo giác. Bạn cảm thấy bạn đang kiểm soát được mọi thứ nhưng thực tế thì không. Bạn càng cảm thấy mình thành công trong việc kiểm soát lượng thức ăn bạn tiêu thụ bao nhiêu thì bạn càng thất bại. Chứng rồi loạn ăn uống và những lí tưởng hóa đang kiểm soát bạn.


Ngay trước khi tôi suy sụp hoàn toàn, tôi đã vô cùng sợ hãi và lo lắng. Tôi cần chứng rối loạn ăn uống. Chỉ có nó mới đem lại cho tôi ảo giác là tôi đang kiểm soát được tình hình. Nếu tôi cảm thấy mọi thứ đang dưới tầm kiểm soát, tôi sẽ cảm thấy ổn. Nghịch lí là tôi cảm thấy ổn nhất khi tôi không bị bác sĩ và bố mẹ giám sát và tôi cũng không cần kiểm soát lượng thức ăn tôi ăn vào.

Bỏ đi mọi sự kiểm soát là phần khó nhất. Sẽ là dối trá nếu tôi nói rằng tôi đã hoàn toàn vượt qua được. Tuy nhiên, tôi đã tiến bộ hơn nhiều trong việc tự nhắc nhở bản thân rằng việc kiểm soát tốt nhất là đừng lúc nào cũng mong muốn kiểm soát được mọi việc.

3. Hoàn hảo là điều không thể

Chủ nghĩa hoàn hảo luôn nằm trên mức tốt nhất của bạn. Đó chính là việc bạn đặt ra các tiêu chuẩn không thực tế. Với sự mong cầu hoàn hảo của mình, tôi nghĩ tôi có thể đạt được những tiêu chuẩn cao đó. Tôi cố gắng tìm kiếm sự hoàn hảo trong học tập, trong các mối quan hệ, trong việc vệ sinh, tập luyện và trong chế độ ăn. Mức bình thường đối với tôi là không đạt yêu cầu. Một là hoàn hảo hai là không gì cả.

Con người dễ nghiện sự hoàn hảo bởi ta bị kẹt trong suy nghĩ rằng nếu chúng ta làm mọi việc hoàn hảo, ta có thể giảm tới mức tối đa cảm giác đau đớn và sự phán xét. Nhưng sự thật là, chúng ta không thể làm được như thế. Trong cuộc sống sẽ luôn có người phán xét ta dù ta làm gì hay nói gì đi chăng nữa.

Điều ta có thể làm là hãy đầu hàng. Hãy chấp nhận rằng ta đang làm việc theo cả một quá trình và tiến bộ dần. Hãy trân trọng tất cả những gì thuộc về chính bạn, kể cả đối với bạn chúng không hoàn hảo. Hãy rèn tính vị tha và lòng từ bi đối với chính bản thân mình. Và quan trọng nhất, hãy kiên nhẫn. Việc thay đổi cách nghĩ cần thời gian, nhưng mọi nỗ lực đều xứng đáng cả.

4. Tắt giọng nói tiêu cực trong bạn

Tôi có còn phải đấu tranh không? Có chứ. Nhưng mỗi khi những suy nghĩ tiêu cực và cuộc chiến nội tâm bắt đầu, tôi không để chúng kiểm soát cuộc đời tôi nữa. Tôi ý thức được rằng tôi phải vượt qua chúng. Đã có những ngày tôi phải thực sự cố gắng để ăn và giữ cho mình không bị sốc khi cân nặng của tôi tăng lên. Và ơn trời, tôi hiểu được cái giá mà tôi phải trả khi để nỗi sợ hãi bao trùm lên cuộc sống của mình.

Tôi biết rằng một ngày nào đó tôi sẽ có thể đứng lên cân và không sụp đổ khi nhìn những con số trên bàn cân. Một ngày nào đó, tôi sẽ có thể ăn một bữa ngon lành mà không phải để ý đến lượng calo tiêu thụ. Một ngày nào đó, đầu óc tôi sẽ hoàn toàn thư thái. Cho đến ngày đó, tôi sẽ giữ cho giọng nói tiêu cực không vang lên nữa.

(Nguyên tác: “Overcoming a Negative Body Image: 4 Things to Remember”

Tác giả: Petra Scott

https://tinybuddha.com)